20 năm sau siêu bão Linda Nuôi hy vọng, giữ niềm tin gặp chồng

20 năm trôi qua, bây giờ ở ấp 7, xóm biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) vẫn còn đó những người vợ nặng nghĩa phu thê, vẫn một mình nuôi con và nuôi hy vọng vượt biển, ra khơi tìm chồng. Những người đàn ông của họ đã biệt tăm sau cái ngày định mệnh 2.11.1997, ngày bão Linda quét qua các tỉnh ĐBSCL.

Tự lái tàu đi tìm chồng

20 năm đã qua đi, nhiều thứ có thể mờ, nhưng trong ký ức của chị Trần Thị Đào (ấp 3, xã Khánh Hội) vẫn còn nhớ như in cái ngày đau thương khi cơn bão ập đến. 

20 năm sau “siêu bão” Linda: Nuôi hy vọng, giữ niềm tin gặp chồng

Những ngày này, người dân xã Khánh Hội chuẩn bị lá chuối gói bánh, cúng giỗ người thân.  Ảnh: Chúc Ly

Mãi cho đến bây giờ, lâu lâu người ta lại bắt gặp hình ảnh của những người vợ, người mẹ ở ở ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh, lần mò ra cửa biển Khánh Hội đứng đợi chồng, đợi con đến chiều tối, rồi họ lại thơ thẩn trở về trong niềm đau tuyệt vọng. 

Buổi chiều định mệnh năm ấy, trời mưa tầm tã, chị Đào cùng 3 đứa con thơ hướng về cửa biển, nơi chồng chị cùng các ngư phủ đang đánh bắt. Chồng chị gọi về qua bộ đàm và báo rằng anh đang cho tàu chạy vào bờ, nhưng do sóng lớn quá phải neo lại.  

Đến tối cùng ngày, linh tính của người vợ cho chị một cảm giác bất an, chị mở bộ đàm liên hệ lại với chồng thì không nhận được tín hiệu phản hồi. Đêm ấy, chị Đào cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác của xóm biển Khánh Hội thức trắng.

“Hôm sau, trời vẫn mưa và sóng biển vẫn dữ dội. Tôi gửi 3 đứa con nhỏ về nhà ngoại, lấy tàu vươn khơi tìm chồng. Khi ấy, nhiều người đã ngăn tôi, họ nói rằng không có hy vọng vì sóng to như thế, chạy ra chỉ có nước chết theo chồng. Nhưng tôi vẫn đi với một niềm tin mãnh liệt” - chị Đào nhớ lại.

Đến trạm kiểm soát tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho tàu chị ra khơi, vì biết rằng cơn bão vẫn còn đang kéo dài và có chiều hướng mạnh hơn. Với quyết tâm tìm chồng, chị Đào không ngần ngại ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

20 năm sau “siêu bão” Linda: Nuôi hy vọng, giữ niềm tin gặp chồng

Chị Trần Thị Đào, người tự lái tàu ra khơi tìm chồng. Ảnh: C.L

4 ngày lênh đênh trên biển cả, trong chị cảm xúc rất hỗn độn, chị đi tìm nhưng lại không mong gặp. Cứ mỗi lần thấy có xác người trên biển, chị Đào lại hy vọng rằng đó không phải chồng mình.

Chuyến đi ấy, tàu của chị Đào cứu sống 18 ngư phủ khác. Trở về nhà, chị Đào gần như chết đứng khi nhìn thấy ngôi nhà của 2 vợ chồng đã bị đổ sập, tan hoang. Một tháng, hai tháng và nhiều ngày sau đó chị Đào vẫn mỏi mắt đợi chồng...

Hy vọng mong manh

Đau thương là thế nhưng chị Đào cố nuốt nước mắt vào trong, gượng dậy mà nuôi con. Với sự hỗ trợ của xóm giềng, chị dựng lại căn nhà lá trên nền đất cũ. Hàng ngày, chị chài lưới kiếm tôm cá đổi gạo nuôi con. Dần dà tích góp, chị mua ghe, lại đi biển và hy vọng sẽ được gặp lại… chồng. Nhiều người đã từng khuyên chị tái giá để bớt vất vả... Chị Đào nói: “Tuy giờ đã là bà ngoại của 3 đứa cháu, nhưng một ngày chưa tìm thấy chồng thì tôi vẫn nghĩ anh còn sống. Tôi đã đợi và sẽ tiếp tục đợi cho đến ngày gặp chồng, dù là ở nơi chín suối...”.

Không riêng gì chị Đào mà rất nhiều người phụ nữ có chồng mất tích trong cơn bão số 5 (bão Linda) đến bây giờ vẫn nhất quyết không tái giá. Vì có những người chồng đã trở về với vợ con, nên niềm hy vọng trong họ vẫn còn, mãnh liệt.

Như chị Trần Thị Thắm (39 tuổi), khi chồng chết chị mới 19 tuổi đầu và đang mang thai 3 tháng. Chị sinh con và vẫn hy vọng chồng sẽ quay về vì không nhận được xác chồng.

Chị Lê Thị Mỹ Dung, 43 tuổi, có chồng mất tích, kể: “Trước khi đi chuyến biển lần đó, anh dặn tôi giữ gìn sức khỏe, dưỡng thai. Chuyến biển này về, có tiền sẽ mua cái mùng mới để khi sinh con không sợ muỗi cắn. Rồi anh đi mãi. Giờ, tôi vẫn nuôi hy vọng vì chưa thấy xác chồng”.

Vì có những người phụ nữ như chị Đào, chị Thắm, chị Dung mà làng biển Khánh Hội này đã hình thành nên một xóm đặc biệt “xóm không chồng”. Tại xóm này, những người phụ nữ trở thành trụ cột của gia đình, họ thay chồng nuôi con và mưu sinh. Và cũng ở đây, có những đứa trẻ không biết mặt cha mình.

Cháu Võ Minh Hoàng (18 tuổi), mất cha từ ngày còn trong bụng mẹ, tâm sự: “Con rất thương mẹ, một đời vất vả, không tái giá mà ở vậy nuôi con khôn lớn. Sau mỗi chuyến đi biển trở về, mẹ lại ôm con vào lòng, xoa đầu rồi bảo con giống cha. Nhưng con không hình dung ra được cha con như thế nào, mặc dù mẹ kể cho con nghe rất nhiều về cha. Chỉ tiếc là nhà nghèo quá, đến nổi không có một tấm ảnh nào của cha để con có cơ hội biết mặt”.

“Không ai tin Cà Mau có bão”

Ngày 25.10 vừa qua, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm”.

Tham dự hội thảo này có ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các cán bộ nguyên là thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.

Tại hội thảo, tiến sĩ Đặng Quang Tính – nguyên Cục trưởng Đê điều lũ bão (Bộ NNPTNT) chia sẻ bài viết của ông Lê Huy Ngọ: Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên chưa hề có khái niệm về “bão”.

Sau này được nghe kể rằng “Bão đổ bộ vào Cà Mau”, như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.

Một số quan chức ở vùng đó lúc bấy giờ cũng nghĩ như vậy. Trong một cuộc điện thoại từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội gọi vào còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè: “Vùng biển Tây-vùng biển Kiên Giang đó là “Vùng thánh địa”, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này, làm gì có bão”.

Sự chủ quan của câu nói đấy, đồng nghĩa với việc họ không cần hành động, không cần phòng bị hoặc chỉ đạo nhân dân phòng, tránh trước khi bão đến và đã để lại hậu quả vô cùng thảm khốc.

P.V

Theo danviet