28/2, Vietjet Air chính thức lên sàn với giá 90.000 đồng

Chưa công bố giá chào sàn chính thức nhưng Bản cáo bạch của Vietjet Air đưa ra mức giá tham chiếu là 90.000 đồng/cp ngày lên sàn.

Như vậy với biên độ dao động +/-20% thì trong phiên đầu tiên của Vietjet trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của hãng hàng không này sẽ trong khoảng 72.000-108.000 đồng/cp.

Nếu căn cứ mức giá tham chiếu  90.000 đồng, vốn hóa của Vietjet sẽ đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD.

Bản cáo bạch không đưa ra ngày cổ phiếu của hãng hàng không này chính thức lên sàn. Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn tối 9/2, đại diện hãng cho biết đã chốt phương án ngày 28/2.

Được biết, trong quý I/2017, Vietjet Air sẽ chào bán thêm 22,38 triệu cổ phiếu với giá 86.400 đồng/cp cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Công ty dự kiến sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.223 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành này sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động của doanh nghiệp. 

28/2, Vietjet Air chính thức lên sàn với giá 90.000 đồng
Giá chào sàn của Vietjet Air dự kiến là 90.000 đồng/cp. Ảnh: Hoàng Hà

Trước đó, Vietjet Air đã thực hiện đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) với cổ phần được chào bán là cổ phiếu do cổ đông hiện hữu đang nắm giữ. Hiện Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng Vietjet AIr, đồng thời là chủ sở hữu 100% vốn của công ty Hướng Dương Sunny. Điều đó có nghĩa bà Thảo đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 32,66% cổ phần của Vietjet.

28/2, Vietjet Air chính thức lên sàn với giá 90.000 đồng
Cơ cấu cổ đông của Vietjet Air. Đồ họa: Bình Nguyên. 

Bên cạnh đó, chồng bà Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng sở hữu 1,06% cổ phần. Hai công ty có liên quan đến bà Thảo là HDBank và Sovico Holdings sở hữu lần lượt là 4,5% và 4,9% cổ phần.

Cổ đông nước ngoài hiện sở hữu 24,35% cổ phần. Ngoài GIC, quỹ VEIL thuộc Dragon Capital cũng sở hữu hơn 3% cổ phần của Vietjet.

Năm 2016, Vietjet đạt hơn 27.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 39% so với năm 2015. Trong đó bao gồm 15.500 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách và dịch vụ liên quan cùng với 11.700 tỷ đồng doanh thu từ nghiệp vụ chuyển giao sở hữu và thuê lại máy bay.

Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.292 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 8.726 đồng. Công ty cho biết kế hoạch 2017 lãi 3.395 tỷ, cổ tức hàng năm 50% trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt từ nay đến 2019.

Theo Zing