3 việc cần làm khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ

Theo các bác sĩ, đột quỵ là bệnh lý cấp cứu nguy hiểm, nếu phát hiện chậm thì nguy cơ tử vong rất cao. Đặc biệt bệnh đột quỵ đang có dấu hiệu trẻ hoá.

3 việc cần làm khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ

Ảnh minh hoạ 

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như: đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn; gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể; nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi; tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu; mất ý thức.

Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay.

Có rất nhiều trường hợp người thân chậm phát hiện nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện muộn trong khi đó các bác sĩ cho rằng đối với đột quỵ thì “thời gian là vàng”. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm cơ hội điều trị thành công càng cao, tốt nhất là trong 4h đầu.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã cấp cứu cho bệnh nhân là ông Vũ Quốc Th., 60 tuổi, nhà ở Hà Nội bị đột quỵ bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Tuy nhiên bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn, sau 6 tiếng đồng hồ.

Người nhà bệnh nhân cho biết lúc 6 giờ tối, ông Th. lên giường đi ngủ sớm. Một lúc sau vợ ông gọi dậy ăn cơm thì phát hiện ông đái dầm, hỏi ông bảo không biết gì và không cử động được tay chân bên trái.

Vợ ông gọi điện cho em gái, rồi gọi những người quen khác đến giúp đỡ. Nhưng vì thấy ông Th. vẫn còn tỉnh, nên không ai vội vã. Đến 22h10 gia đình mới gọi cho Trung tâm Cấp cứu 115, ông Th. được khẩn trương sơ cứu và đưa đến bệnh viện lúc 23h05 phút.

Kết quả chụp phim cắt lớp vi tính mạch não, ông Th. bị tắc hoàn toàn nhánh động mạch não giữa bên phải, phía cuối đoạn M1. Tính tổng thời gian khoảng 6 giờ, nên các bác sĩ quyết định điều trị theo phác đồ dùng thuốc tiêu sợi huyết t-PA kết hợp với lấy cục máu đông qua đường nội mạch.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết trường hợp của ông Th. nay đã ổn định. Tuy nhiên, ông Th. đến viện quá muộn. Nếu gia đình tinh ý, khi thấy ông có dấu hiệu liệt nửa người, đưa ông vào viện luôn thì việc điều trị cũng tốt hơn rất nhiều.

Số 3 quan trọng trong đột quỵ 

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn 3 dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ sớm nhất đó là:

- Yêu cầu bệnh nhân MỈM CƯỜI.

- Yêu cầu bệnh nhân NÓI một câu đơn giản: ví dụ như nói tên của người thân, đếm ngón tay…

- Yêu cầu bệnh nhân GIƠ TAY: yêu cầu giơ tay trái, giơ tay phải, giơ cả 2 tay.

3 bước xử trí đột quỵ đơn giản

- Bước 1: Để bệnh nhân nằm ngửa.

- Bước 2: Gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn và bố trí ê kíp cấp cứu.

- Bước 3: Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khi bác sĩ cho phép (vận chuyển bằng ô tô nhưng phải để bệnh nhân nằm ngửa).

3 điều không nên làm với bệnh nhân đột quỵ

- Không để bệnh nhân nằm nghiêng, co quắp, ngồi hay đi lại.

- Không tự ý vận chuyển bệnh nhân khi chưa có tư vấn của bác sĩ.

- Không chích máu ngón tay hay dái tai.

Theo infonet