4 phát ngôn như "đổ thêm dầu vào lửa" của lãnh đạo Hà Tĩnh & Formosa trong vụ cá chết

Hơn 20 ngày trôi qua, các nhà chức trách vẫn chưa tìm ra lý do chính xác khiến hàng chục tấn cá biển chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung. Thủ tướng Chính phủ chính thức lên tiếng, chỉ đạo các địa phương làm tới nơi tới chốn. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trong vòng 5 ngày tới sẽ có kết quả của các mẫu kiểm định để làm rõ nguyên nhân.

Mọi con mắt đang đổ dồn cả về Formosa Hà Tĩnh - Tập đoàn đến từ Đài Loan đang bị nghi là thủ phạm xả thải, dẫn tới thảm họa của loài cá ở vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận kiểm định cuối cùng, mọi chuyện đều là nghi vấn và giả thuyết.

Và, trong những lúc "nước sôi lửa bỏng", hàng nghìn người dân ven biển miền Trung thất thần vì sinh kế bấy lâu của họ bỗng mất trắng, thì lãnh đạo các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý địa phương, ngay cả Formosa Hà Tĩnh lại có những phát ngôn khiến tình hình đã rối càng thêm rối.

Cùng điểm lại những câu nói gây bức xúc dư luận những ngày qua của một số đại diện các bên hữu quan về hiện tượng cá chết ở miền Trung:

1. Lãnh đạo chưa có mặt tại hiện trường vì lo kiện toàn bộ máy

Sáng 22/4/2016, PV Lao Động có mặt tại UBND tỉnh Hà Tĩnh. Văn phòng thường trực cơ quan này thông báo không có bất kỳ lãnh đạo nào hôm nay có mặt ở cơ quan vì có sự kiện quan trọng khác.

Khi được hỏi “Đã có đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh nào trực tiếp xuống địa bàn khảo sát, chỉ đạo nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc chưa, thưa ông?”, ông Lê Minh Đạo – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay:

Chúng tôi mới có chủ tịch UBND tỉnh hôm qua (21/4), còn các đồng chí phó chủ tịch mới được bầu đang còn chờ phê duyệt”.

4 phát ngôn như

2. Bà con yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng

Chiều 23/4, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết:

"Hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này".

4 phát ngôn như

3. Cá nuôi trong kênh thải vẫn sống, không hiểu sao cá biển lại chết

Một số ngư dân lặn biển trình báo về việc họ nhìn thấy một hệ thống ống ngầm lớn nối từ dự án của Formosa ra biển. Theo mô tả của ngư dân, ống dài khoảng 1,5 km, đường kính hơn một mét, nước trong ống phun ra rất mạnh, có màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở.

Trả lời VnExpress về những đường ống này, lãnh đạo Formosa giải thích:

"Xung quanh hệ thống kênh xả thải, chúng tôi nuôi cá để kiểm tra chất lượng nước. Thực tế trong kênh của chúng tôi, cá vẫn sống. Nếu do xả thải, thì cá trong này phải chết trước cá ngoài biển. Do vậy công ty yên tâm về việc mình không làm gì ảnh hưởng tới môi trường biển Việt Nam".

4 phát ngôn như

4. Chọn cá tôm hay chọn nhà máy thép?

Trả lời câu hỏi của VTC 14, "nhiều ngư dân địa phương thắc mắc tại sao khi Formosa xây hệ thống xả thải, người dân lặn xuống không thể bắt nổi một sinh vật sống?", ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói:

"Tôi nói rất thật lòng, nhiều khi được cái này thì phải mất cái kia, mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Muốn bắt cá, bắt tôm hay là muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại?"

Theo Tô Mạn (Trí thức trẻ)