Ai cứu lấy sự sống từ vùng đất ô nhiễm vì rác?

Được mệnh danh là “đảo ngọc” ở miền cực nam của Tổ quốc đang thu hút du lịch và đầu tư trong cũng như ngoài nước. Nhưng khác với những bề nổi, nhiều du khách, doanh nhân và người dân sống cạnh bãi rác tại huyện Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang phải "cắn răng" kêu trời vì mùi hôi thối, bệnh dịch, mặc dù sự việc đã kéo dài hàng chục năm nay… Nhóm PV đã vào cuộc đi tìm trả lời cho câu hỏi: "Ai sẽ cứu lấy sự sống từ vùng đất ô nhiễm nặng nề này ?".

Khủng khiếp núi rác trên "đảo ngọc"

Đã hơn 10 năm, người dân ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phải sống trong ô nhiễm môi trường từ bãi rác lộ thiên của huyện. Bãi rác này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan, nơi du khách quốc tế thường qua lại.

Chiều 15/8/2017, theo phản ánh từ người dân, chúng tôi đã có mặt tại đây để xác minh tình trạng này. Mặc dù còn cách bãi rác hàng trăm mét nhưng không thể nào chịu nổi mùi tanh chua, hôi thối từ phân, nước thải, xác chết súc vật và rác sinh hoạt lâu ngày bốc lên.

Tại bãi rác này, hoạt động phân loại diễn ra theo kiểu tự phát. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi rác chủ yếu vẫn là chôn lấp hở, hầu hết đều mang tính chất tạm thời, không hợp vệ sinh, không kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác. Điều đáng nói hơn cả là nơi đây không chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác.

Khoảng 14 h 30, hai xe tải chở rác phóng nhanh trên đường ĐT45 theo hướng từ thị trấn An Thới đến xã Cửa Cạn nhưng che chắn không kỹ khiến nhiều người đi xe máy phía sau phải bịt mũi, nín thở.

Đến khu vực bãi rác Cửa Dương, hai chiếc xe chạy chậm rồi đổ rác cạnh lối vào bãi rác chỉ cách mặt đường chừng vài mét, lúc này chiếc xe máy xúc đang đợi sẵn nhanh chóng múc những khối rác đang hôi thối nồng nặc chất lên cao chứ không hề có các biện pháp xử lý rác để tránh ô nhiễm, mặc kệ chất thải lỏng từ trong núi rác rỉ ra xung quanh.

Không chỉ ô nhiễm về không khí, bãi rác này gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Tại khu vực gần bãi rác, nhiều đoạn bị phủ kín bởi đủ thứ rác thải, bã thức ăn dư thừa khiến nước luôn đen ngòm, nổi bọt, nước đen đặc ứ đọng, nhiều đoạn bị tắc nghẽn, ruồi nhặng bu đen. Giữa ban ngày, nhưng nhiều nhà dân sống gần bãi rác phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi và ruồi nhặng “tấn công” vào nhà.

Ông Trần Hào (57 tuổi) chỉ chúng tôi xem một căn nhà khang trang nhưng đóng kín cửa: "Nhà thì to vậy đó, mà có ở được đâu! Mấy năm nay, chúng tôi toàn đóng kín cửa rồi sang nhà con cháu mà ở, chứ ở đây chịu hết nổi vì mùi hôi cả ngày lẫn đêm, nhất là mùa nắng.

Ở đây người dân phần đông bị mắc bệnh về hô hấp, da, khổ nhất là người già và trẻ em". Cũng theo phần đông người dân, đã nhiều lần mang bức xúc, phản ánh về tình trạng ô nhiễm tới địa phương, cán bộ cũng đến kiểm tra nhưng cười cười, nói nói chiếu lệ rồi ra về, còn tình trạng trên thì vẫn tiếp diễn, hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”.

Ảnh-8
Bao bì vật liệu khó phân hủy.
 
Ảnh-16
 

Nỗi lo bệnh, dịch

Theo thống kê của các ngành chức năng địa phương, đảo Phú Quốc mỗi ngày phát sinh hàng trăm tấn rác sinh hoạt, nhưng chỉ thu gom tập kết về các bãi rác được chỉ khoảng một số ít. Ông Nguyễn Văn Lực (58 tuổi) có nhà cách bãi rác không xa bức xúc: “Khổ lắm! Mùi hôi thối thì có suốt ngày đêm.

Ruồi muỗi ngày càng nhiều, thậm chí có những ngày chúng tôi phải ăn cơm, con cái học bài đều phải giăng mùng! Dân ở đây không dám dùng nước giếng vì sợ ô nhiễm. Hàng ngày, mùi hôi của rác thải, ruồi nhặng bu đầy từ sáng đến tối. Đã vậy, xe chở rác chạy dọc con lộ làm rơi vãi nước đầy đường khiến người dân ở đây không thể nào chịu nổi".

Chỉ những vết sẹo trên cánh tay, chị Thúy Quyên kể: Năm ngoái, cũng vào mùa này, trên cổ, tay của vợ chồng tôi và con trai bỗng dưng xuất hiện những đốm phồng rộp như vết bỏng, gây nóng ran và đau nhức.

Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chúng tôi bị viêm da do tiếp xúc côn trùng, dân gian thường gọi là bệnh “giời leo”, bôi thuốc lên thì lành vết thương, nhưng vết sẹo đến giờ vẫn còn. Năm nay, trên người chồng và con tôi lại xuất hiện những dấu hiệu như vậy".

Cư dân nhặt rác tại đây cho biết mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở rác đến đổ tại bãi rác này, nên hàng chục năm qua nơi đây đã biến thành bãi rác cao như núi. Vì thế tình trạng hôi thối, ô nhiễm môi trường cũng tăng lên đáng báo động. Tại đây, hiện có hàng chục hộ gia đình nghèo đang chật vật sinh sống, trong đó có cả người lớn và trẻ em làm nghề nhặt phế liệu.

Bà Th. (quê Đồng Tháp) đã ở đây hàng chục năm đang cặm cụi nhặt rác cho biết mỗi ngày phân loại phế liệu ve chai bán chỉ được khoảng 50.000-60.000 đồng. Trời nắng hay mưa, nước rỉ hôi thối chảy ra, ruồi, muỗi và nhiều loại côn trùng khác bay vào nhà, ra đường.

Dù biết ô nhiễm và độc hại đến sức khỏe, nhưng vì cuộc mưu sinh, bà và nhiều gia đình khác vẫn phải bám trụ ở đây để lay lắt tìm từng miếng cơm manh áo qua ngày.

Còn người dân ở xã Cửa Dương, hơn 10 năm phải chịu đựng, đối mặt với bao dịch bệnh, hôi thối từ bãi rác. Đặc biệt, do có nước thải từ bãi rác nên nguồn nước giếng ở đây bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cũng như sản xuất.

Nhiều người dân sống gần bãi rác này luôn lo lắng, sợ hãi vì bệnh tật và ngay trước mắt là những bệnh ngoài da, hô hấp... về lâu về dài là các bệnh ung thư. Nhiều gia đình có bà con, họ hàng ở nơi khác thì gửi con cái đến tá túc, những người không nhờ được ai thì đành “cắn răng” mà chịu đựng….

IMG_20170816_162353
Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ... sống nhiều năm với bãi rác Cửa Dương rất lo lắng về sức khỏe.
bai-sao
Phú Quốc hiện nay là một điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong nước và du khách nước ngoài, vì đây là hòn đảo tuyệt vời cho những tour du lịch vài ngày với những trãi nghiệm khó quên về biển, núi rừng, đặc sản, con người.

Cao Tuấn - Võ Nguyễn - Nguyên Vũ

Theo NTD