Ăn nhầm con so biển, cả nhà 4 người khỏe mạnh suýt chết

Được người quen tặng cho 2 con sam biển, gia đình làm thịt để nhậu rượu, không ngờ trong đó có 1 con so biển khiến cả nhà 4 anh em lăn đùng ra bất động, tê miệng, tê tay chân, khó thở…phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Ăn nhầm con so biển, cả nhà 4 người khỏe mạnh suýt chết

 Bác sĩ  Võ Ngọc Anh Thơ- Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chơ Rẫy hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân P.

Bốn bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh trên gồm: Nguyễn Văn T. (sinh năm 1987), Huỳnh Văn H. (sinh năm 1987), Đào Quốc Q. (sinh năm 1986) và Huỳnh Thanh P. (sinh năm 1956, cùng ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Theo người nhà của các bệnh nhân trên, trước đó, họ được một người quen ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) gửi biếu 2 con hải sản nói là sam biển nên cả nhà liền chế biến để nhậu. Sau khi nhậu xong, khoảng 30 phút, các anh T., H., Q. bất ngờ cảm thấy người lâng lâng, bồng bềnh, sau đó tê lưỡi, tê miệng, rồi tiếp tục tê tay chân, chóng mặt, đi đứng loạng choạng. Lập tức gia đình đã chuyển các nạn nhân đến Bệnh viện huyện Cần Đước ( Long An) cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn và tiến hành gây nôn để loại bỏ chất độc con trong thực phẩm ra ngoài cơ thể; đồng thời truyền dịch. Khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, ông P. cũng có những triệu chứng trên và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tuy nhiên, sau đó tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân có dấu hiệu xấu dần, tay chân yếu, không vận động được, khó thở, không nói được, Bệnh viện Cần Đước đã chuyển các bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Chú thích ảnh: Bác sĩ  Võ Ngọc Anh Thơ- Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chơ Rẫy hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân P.

Ông P. cho cho biết có 1 con không phải là sam biển 

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chơ Rẫy cho hay cả 4 bệnh nhân khi chuyển đến bệnh viện đều khó thở, không đi đứng nổi phải bế lên giường bệnh. Sau khoảng 6 giờ xử lý gây nôn, truyền dịch... các bệnh nhân đã bắt đầu có dấu hiệu ổn định, nói rõ, dễ thở hơn nhưng vẫn còn tê tứ chi, đi đứng còn loạng choạng. Riêng bệnh nhân P. vẫn còn yếu vận động, sức cơ tứ chi 4/5.

“Đến sáng nay (ngày 3.6), sau gần 2 ngày nhập viện điều trị, các bệnh nhân trên đã ổn định, đi lại khá, sinh hiệu ổn định, chỉ còn bệnh nhân P. tê nhẹ tay. Các bác sĩ đã cho một bệnh nhân xuất viện. Nếu không có gì thay đổi, trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ tiến hành cho xuất viện nhưng người còn lại”, bác sĩ Thơ cho biết.

Nằm trên giường bệnh, ông P. kể gia đình ông vẫn thường xuyên ăn con sam. Thịt nó ăn rất ngon, ngọt và thơm, rất tốt cho sức khỏe.

“Thật sự lúc nhận 2 con sam biển của người quen biếu, tui cứ nghĩ là hàng xịn nhưng ăn xong phát hiện có triệu chứng trên mới biết mình bị ngộ độc. Lúc đó, tui ngờ ngợ nhận ra có 1 con không giống con sam bởi vì con sam thường có đuôi tròn và 3 cạnh, trong lúc ăn tui phát hiện có một con đuôi tròn và thẳng”, ông P. thuật lại.

Theo bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, tình trạng ngộ độc do ăn phải con so biển đã xuất hiện trong thời gian qua, trong đó có những trường hợp tử vong, nhưng nhiều người không để ý nên tình trạng ngộ độc so biển vẫn tiếp tục xảy ra.

Cũng may các bệnh nhân trên có kiến thức nên đã đến bệnh viện sớm, nếu không tình trạng sẽ rất nguy hiểm. “Trong vòng 3 giờ đầu tiên, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời thì việc điều trị sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, nếu để quá thời gian trên, bệnh nhân có thể  tụt huyết áp, tăng kháng khí, có nguy cơ tử vong sau đó”, bác sĩ Thơ cho biết.

Chú thích ảnh: Bác sĩ  Võ Ngọc Anh Thơ- Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chơ Rẫy hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân P.

Sau gần 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe của  anh Q. đã ổn định, có thể xuất viện trong ngày hôm nay 3.6

Theo phân tích của bác sĩ Thơ, trong so biển có độc tố tetrodotoxins. Đặc trưng của độc tố tetrodotoxins là bền với nhiệt, nên quá trình chế biến vẫn không thể loại được độc tố này. Thường độc tố tetrodotoxins tập trung ở da, gan, trứng; còn ở trong thịt nồng độ độc tố này rất ít, hoặc không có. Ngoài so biển có độc tố tetrodotoxins thì một số loại hải sản khác như cá nóc, mực đốm xanh... cũng có độc tố này nên bệnh viện cũng gặp nhiều trường hợp bị ngộ độc khi ăn các loại thủy sản trên, nhất là cá nóc.

Từ thực tế trên, bác sĩ Thơ khuyến cáo người dân nên cận thẩn khi ăn hải sản, đặc biệt là loài so biển mà nhiều người gọi là con sam nhỏ, nhưng thực tế sam biển và so biển là 2 con hoàn toàn khác nhau.

Sam biển khi trưởng thành có kích thước to hơn (có thể đến 3 - 4kg) và khi đi luôn đi thành cặp; còn so biển có kích thước nhỏ hơn (tối đa chỉ 1kg), thường đi lẻ, nhưng mùa sinh sản lại đi đôi. Vì vậy để phân biệt được so biển và sam biển thường dựa vào đuôi của 2 con này. Sam biển đuôi có gờ rất rõ, mặt tiết diện khi cắt ngang là hình tam giác; trong khi đó đuôi của so biển tròn, khi cắt ngang tiết diện là hình tròn. Do đó, người dân phải cẩn trọng phân biệt so biển với sam biển, nếu ăn so biển sẽ bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Hồ Quang (một thế giới)