Bà chủ Vietjet chi 1.900 tỷ đồng mua thêm cổ phần của hãng

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ cho một công ty thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air.

Nghị quyết đại hội cổ đông của Vietjet vừa công bố thông qua việc lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết toàn bộ cổ phiếu lưu hành tính đến thời điểm đăng ký trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Dự kiến, hãng sẽ đăng ký giao dịch chứng khoán trên HOSE trong năm 2017.

Đặc biệt, trong nghị quyết đại hội cổ đông lần này, Vietjet Air cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Số lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ hơn 22,38 triệu cổ phiếu, tương đương 7,46% cổ phần đang lưu hành. Với giá phát hành 84.600 đồng/cổ phiếu, dự kiến Vietjet Air sẽ thu về hơn 1.894 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên 3.224 tỷ đồng.

Toàn bộ số cổ phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành.

Nhà đầu tư được Vietjet Air chào bán cổ phiếu lần này là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Theo thông tin từ Cục Đăng ký doanh nghiệp thì người sở hữu Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny chính là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air và công ty này mới thành lập từ tháng 11/2016.

Bà chủ Vietjet chi 1.900 tỷ đồng mua thêm cổ phần của hãng

Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air.

Là doanh nghiệp mới thành lập nhưng tính đến ngày 3/1, công ty trên chính là cổ đông nắm giữ gần 44 triệu cổ phiếu Vietjet Air, tương đương 14,66% vốn điều lệ.

Đáng chú ý là vốn điều lệ trong đăng ký của công ty chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tính theo mức giá cổ phiếu Vietjet Air phát hành riêng lẻ cho công ty thì hiện Sunny đang nắm trong tay hơn 3.700 tỷ đồng từ giá trị cổ phiếu của Vietjet.

Như vậy, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny đại diện là bà Thảo sẽ nâng tổng sở hữu tại Vietjet Air lên hơn 66,38 triệu cổ phiếu, tương đương 22%.

Số tiền hơn 1.894 tỷ đồng này được Vietjet Air sử dụng bổ sung vốn lưu động để thuê, đặt cọc mua máy bay, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và một số mục đích khác. Hãng cũng sẽ sớm lưu ký và niêm yết cổ phiếu phát hành thêm trong đợt này.

Hội đồng cổ đông Vietjet Air cũng chủ trương thành lập công ty con, công ty liên doanh, liên kết để tham gia các lĩnh vực cho thuê máy bay; cung cấp dịch vụ sân bay; nhượng quyền thương hiệu; thương mại điện tử và cung cấp tài chính, bảo hiểm...

Chưa niêm yết nhưng trên thị trường OTC,  cổ phiếu Vietjet Air đang là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư "săn đón".

Trước đó vào cuối tháng 12/2016, hãng hàng không giá rẻ này thông báo sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, trong đợt này, cổ phiếu được chào bán là cổ phiếu do cổ đông hiện hữu đang nắm giữ nhượng lại, chứ không phải hình thức phát hành tăng mới.

Mới đây, VSD cũng đã có thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu và cấp mã chứng khoán cho Vietjet Air. Theo đó, số lượng chứng khoán mà VSD nhận lưu ký vẫn là 300 triệu cổ phiếu và chấp nhận từ ngày 25/1.

Thống kê của Hiệp hội Hàng không Việt Nam, tính đến giữa năm 2016, Vietjet Air chiếm 41,4% thị phần bay trong nước, kém Vietnam Airlines với 42,5% thị phần.

Theo Zing