“Báo động đỏ” tình hình an toàn thực phẩm

Phát biểu tại nghị trường, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) tại nước ta đang ở mức báo động đỏ. Đây chính là hậu quả của cách tổ chức chưa hợp lý, cách làm việc tắc trách đối phó, hình thức, chạy theo phong trào đã tồn tại từ rất lâu mà chúng ta cần quyết liệt thay đổi mới giải quyết được vấn đề”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là Trưởng Ban Quản lý ATTP - TP.HCM đã phát biểu như trên tại diễn đàn Quốc hội ngày 5/6 trong phiên thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP. Bà Lan nói: “An toàn thực phẩm liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác. Giá như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có được chiến lược đúng đắn cho sản xuất Nông nghiệp, Bộ Công thương kiểm soát tốt được việc kinh doanh hóa chất thì vấn đề sẽ được cải thiện nhiều và cải thiện từ gốc”.

Đề cập về tình hình kiểm soát phụ gia và chất cấm, bà Phong Lan bức xúc: Việc kiểm soát này còn quá nhiều bất cập và hình thức, nhất là tình trạng buôn bán tự do hóa chất, phụ gia công nghiệp và kiểm soát các dược chất được dùng sai mục đích. Cụ thể, ngay cả danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong chăn nuôi giữa các bộ đến nay vẫn chưa có sự thống nhất!

“Báo động đỏ” tình hình an toàn thực phẩm
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội thảo luận về an toàn thực phẩm. (Ảnh VGP)

Đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội, bà Phong Lan nói bà và các đồng nghiệp đã thống kê, các doanh nghiệp và cá nhân hành nghề sản xuất thực phẩm đã bị bao vây bởi “một rừng” các loại giấy tờ. Có đến 59 thủ tục hành chính để cấp các loại giấy tờ từ 3 bộ, có 47 thủ tục được phân cấp cho các địa phương.

Tổng cộng lại là gần 100 thủ tục, làm cho doanh nghiệp không thể nào biết được cần chỗ nào, nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh chính các thủ tục này đã phát sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực.

Hơn nữa, thực tế cho thấy các giấy tờ như giấy công nhận, giấy chứng nhận… chủ yếu là để phục vụ cho công tác thanh tra, “thanh tra xem doanh nghiệp có giấy tờ hay không?”, trong khi cơ quan chức năng không có thì giờ và không có nhân lực đủ để đầu tư cho hậu kiểm.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra ATTP, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch, hạn chế các chợ tự phát, chợ chiều và thậm chí trong một số trường hợp, thì cần chi ngân sách để hỗ trợ cho công tác ATTP vì thà chi từ bây giờ, còn hơn là phải chi cho những chi phí y tế rất cao sau này - Đại biểu Quốc hội Phong Lan nêu ý kiến.

“Báo động đỏ” tình hình an toàn thực phẩm
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Theo Nguoitieudung