Bảo quản đồ ăn dư thừa thế nào là đúng cách?

Thức ăn còn dư sau mỗi bữa ăn, các bà nội trợ thường cất lại cho bữa ăn tiếp theo của gia đình, tuy nhiên việc bảo quản thức ăn dư thừa nếu không đúng cách có thể gây tác hại xấu cho sức khỏe.

Không ít gia đình do bận rộn thường nấu nhiều thức ăn hơn để dành cho bữa ăn sau đó, bởi nó tiết kiệm thời gian lẫn công sức.

Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách bảo quản đồ ăn dư thừa sao cho đúng cách để không gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Bảo quản đồ ăn dư thừa thế nào là đúng cách?
Nên bảo thực phẩm dư thừa vào trong tủ lạnh. Ảnh: iIternet

Không chỉ những thức ăn còn dư để ở ngoài (nhiệt độ phòng) mà dù cho bảo quản ở điều kiện tủ lạnh cũng bị hư hỏng, bị chua hoặc có mùi thiu, là do chúng ta chưa có quy trình bảo quản đúng.

Theo CNN bạn cần phải giữ thức ăn thừa trong tủ lạnh ngay sau khi ăn, với điều kiện để cho thức ăn nguội hẳn. Bởi nếu thức ăn còn nóng ta cho vào nhiệt độ thấp, sẽ gây ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Thêm vào đó khi bảo quản thức ăn trong ngăn mát, vi khuẩn vẫn phát triển nhưng chậm lại. Đó là lý do thức ăn vẫn có thể bị hỏng trong tủ lạnh.

Để thức ăn dư thừa “không phản chủ” và hư hỏng, BS.Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc trung tâm Dinh Dưỡng TP HCM có một vài chia sẻ: “Nếu chúng ta ăn không hết thức ăn điều quan trọng nhất là phải lưu trữ nó ở trong tủ lạnh, và tủ lạnh phải tốt, không để chung các loại thực phẩm vào với nhau, chứa thức ăn trong các hộp chuyên dụng hoặc màng bọc thực phẩm.

Với trường hợp không có tủ lạnh, chúng ta cần đun sôi trở lại, tức giữ cho thức ăn sôi ít nhất trên 60 độ C , và để được tối đa là qua đêm ở môi trường nhiệt độ bình thường, nghĩa là dưới 25 độ C, còn trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao vi sinh vật sẽ phát triển nhanh.

Bảo quản đồ ăn dư thừa thế nào là đúng cách?
Nên đóng gói thực phẩm một cách cẩn thận.Ảnh: Internet

Khi chúng ta đã để qua đêm và đun sôi lại, nếu quá 4 tiếng đồng hồ mà chưa ăn thì khả năng sinh sôi nảy nở của các loại vi trùng tăng lên rất là nhiều, gây ra các tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy không nên để thức ăn qua đêm mà không được bảo quản ở nhiệt độ lạnh”.

Ở một số loại thực phẩm, khi đun lại chất dinh dưỡng có trong thực phẩm sẽ mất dần đi, món ăn cũng không còn được ngon như lần chế biến ban đầu. Bác sĩ Diệp đưa lời khuyên: “Chúng ta nên căn thức ăn và nấu vừa đủ dùng, tránh gây lãng phí cũng như không làm mất đi chất dinh dưỡng của nó.

Tóm lại nếu như thức ăn không có điều kiện bảo quản tốt và nhiệt độ không đạt được dưới 25 độ C thì nên ăn trong vòng 4 tiếng đồng hồ kể từ khi chế biến để đảm bảo sức khỏe.

Trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao hơn thì ta có thể nấu mặn hoặc muối chua, nhưng khi sáng hôm sau phải đun sôi trước khi sử dụng và dùng trong vòng 24 giờ. Đặc biệt lưu ý với các món canh thì chúng ta không nên để qua đêm.”

Với những cách trên, các bà nội trợ có thể bảo quản thức ăn dư thừa vừa đảm bảo được chất lượng thực phẩm mà còn bảo vệ được sức khỏe cho chính gia đình chúng ta. 

Nguyên Hà

Theo plo