Bão số 4 đã di chuyển nhanh vào miền Trung, sẽ kèm theo mưa rất lớn

Thời gian bão số 4 (Sonca) hay còn gọi là Sơn Ca đổ bộ sớm hơn, bão đi nhanh hơn, cấp độ bão giữ nguyên, bão sẽ gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Khoảng 4 giờ chiều nay bão sẽ đổ bộ, tâm bão từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Bình và Bắc Quảng Trị.

Sáng sớm hôm nay (25.7) Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn với các địa phương để ứng phó với con bão số 4.

Bão số 4 đã di chuyển nhanh vào miền Trung, sẽ kèm theo mưa rất lớn

Bão số 4 sắp đổ bộ vào khu vực các tỉnh miền Trung.

Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10

Thông tin về cơn bão số 4, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 4 chủ yếu di chuyển nhanh với tốc độ 15-20km/giờ theo hướng Tây, do đó bão sẽ tiệm cần với bờ sớm hơn dự tính. 7 giờ sáng nay bão đang cách bờ biển Quảng Bình Quảng Trị 150km, cường độ bão cấp 8, giật cấp 10.

Chúng tôi nhận định bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khu vực ảnh hưởng bão số 4 từ nam Hà Tĩnh đến Quảng Bình, và bắc Quảng Trị.

4 giờ chiều nay tâm bão sẽ vào bờ, bão mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Trước khi bão vào, các khu vực tâm bão sẽ có gió mạnh sẽ vào bờ trước khoảng 3 giờ. 16-19 giờ bão sẽ vào bờ. Bão vào bờ sẽ giữ cấp 7, giật cấp 8-9”.

TS Hoàng Đức Cường cảnh báo: “Cơn bão số 4 sẽ kèm theo mưa rất lớn, ngay từ sáng nay khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa và sẽ mưa cấp tập đến tối, lượng mưa từ 200-250mm, nguy cơ có lũ cấp 1-2 là rất cao, lũ quét sạt lở đất rất đáng ngại. Khi bão đi sâu vào đất liền, mưa sẽ giảm.

Khu vực Nghệ An, Thanh Hóa lượng mưa nhỏ hơn từ 50-100mm. Các tỉnh Tây Nguyên mưa khoảng 100mm và sẽ kéo dài mấy ngày”.

Mặc dù bão sẽ đổ bộ chiều nay nhưng theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, lượng tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn nhiều, cụ thể ở Hoàng Sa vẫn còn 520 tàu đang hoạt động, bộ đội biên phòng và các địa phương đang ráo riết thông báo cho tàu bè biết.

Khu vực Thanh Hóa – Bình Định vẫn còn 1.229 tàu hoạt động. Cụ thể tỉnh Thanh Hóa còn trên 500 tàu, Quảng Trị còn 18 tàu/189 người hoạt động ở Đông Bắc đảo Cồn Cỏ, Nghệ An còn 19 tàu, các địa phương cần huy động tất cả các lực lượng để thông báo tàu thuyền vào bờ khẩn trương. Bộ Biên phòng tiếp tục duy trì bắn pháp sáng cảnh báo cho tàu thuyền.

Nhận định về cơn bão này, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn cho hay, cơn bão khá mạnh, và phức tạp, vào trùng với triều cường, nguy cơ xuất hiện lũ rất cao. Các địa phương cần có tinh thần sẵn sàng ứng phó bão cao nhất.

Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo lực lượng Quân khu 4 tổ chức các đoàn các bộ xuống các địa phương tham gia ứng phó bão. Theo dõi chặt các tàu ở Hoàng Sa, các tàu lưu trú cửa vịnh, các tàu phải thường xuyên liên lạc với lực lượng chức năng để tiến hành cứu trợ.

Các lực lượng cứu hộ cần chủ động ứng cứu ngay khi cần thiết, các cơ quan quân sự phảo có lực lượng đến địa phương để phòng trường hợp sự cố chia cắt do bão, lũ.

Lũ quét, sạt lở nguy cơ đặc biệt cao

Về công tác chuẩn bị ở địa phương, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo: “Hà Tĩnh đã chỉ đạo thông tin liên tục về cơn bão số 4, phát trên tất cả các loa đài ở thôn xã. Hiện nay có trên 6.200 tàu/17.000 lao động đã vào neo đâu an toàn, các tàu khác chưa vào bờ đã nhận được thông tin cơn bão số 4. Chiều qua (24.7) Hà Tĩnh đã cấm biển, bà con thực hiện tốt lệnh cấm này. Người dân ở các lồng bè đã di chuyển vào bờ.

Hà Tĩnh đã cử cán bộ giám sát và cấm đi lại tại các điểm nguy cơ sạt lở, các công trình xung yếu như Hố Hô, Kẻ Gỗ và cập nhật liên tục tình hình về Ban chỉ đạo; chỉ đạo mở tất cả các cống tiêu thoát nước để điều tiết nước tránh thiệt hại nông nghiệp, hạn chế lũ lụt”.

Đến sáng nay trên vùng biển Quảng Bình không còn tàu hoạt động trên vùng biển, các tàu đã vào khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Về an toàn hồ đập, các hồ đập có dung tích chứa từ 60-80%, mức độ an toàn. UBND tỉnh đã chỉ đọa rà soát lại mực nước trong tất cả các hồ chứa để đảm bão cắt lũ khi có mưa lớn. Cắt cử cán bộ giám sát tại các điểm xung yếu.

Đối với công tác chuẩn bị ở tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính – UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Tỉnh đã kêu gọi và đưa 2.287 tàu thuyền vào trú ẩn an toàn, còn 18 thuyền/189 lao động đã neo đậu ở Quảng Nam, Đà Nẵng. 2 giờ chiều qua, Quảng Trị đã cấm biển.

Chiều qua 24.7, chúng tôi đã kích hoạt kịch bản di dời dân, từ chiều nay chúng tôi sẽ đi kiểm tra việc thực hiện di dời dân. Cắt cử cán bộ giám sát các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở để hướng dẫn cảnh báo cho người dân.

Hiện tỉnh Quảng Trị có 22.000 ha lúa trong giai đoạn trổ đòng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương mở các cống tiêu thoát nước để đảm bảo an toàn cho lúa, nếu không làm tốt tiêu úng nguy cơ thiệt hại lúa rất cao”.

Tỉnh Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển từ 5 giờ chiều qua. Ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện còn 19 phương tiện với 95 lao động đang trên đường về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão số 4, phân công các đơn vị, địa phương kiểm tra 24/24 giờ.

Nghệ An có 625 hồ chứa trong đó 263 hồ đã đầy nước, số còn lại đạt 70-80% dung tích, số hồ đầy nước cần chủ động theo dõi để đảm bảo an toàn hồ đập, những hồ nào không an toàn, không cho tiếp tục tích nước.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị kiểm tra an toàn các công trình thủy điện để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.

Bão vào gấp gáp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các tỉnh đã trải qua bão số 2

Chỉ đạo ứng phó bão số 4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Cơn bão này vừa trái mùa (đổ bộ vào Bắc Trung Bộ, thay vì Bắc Bộ), tính chất gấp gáp, 10 ngày 2 cơn đổ bộ, bão lại vào vùng rất dốc, rơi vào vụ hè thu, vụ mùa, đúng gia đoạn mẫn cảm với sản xuất nông nghiệp.

Bão số 4 rơi vào vùng đã trải qua bão số 2, nơi đất đã no nước, nên có nhiều nguy cơ xảy ra do bão. Các địa phương cần hết sức lưu ý, chủ động cao nhất các phương án đối phó với bão số 4.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không chủ quan, khu vực bão vào là vùng xung yếu, vừa trải qua bão số 2, do đó mưa chỉ cần 100-150mm là đã gây nguy hiểm rồi.

Trung tâm dự báo liên tục bám sát đưa tin về cơn bão số 4 theo từng giờ, các cơ quan truyền thông đưa tin nhiều hơn về hoạt động ứng phó, kết quả ứng phó ở các địa phương.

Các địa phương kiên quyết bắt buộc tất cả lao động không ở trên tàu dù tàu đã vào bờ để đảm bảo an toàn cho người. Các hồ xung yếu phải có phương án bảo vệ kiểm tra, cảnh báo. Hết sức lưu ý, đảm bảo an toàn với các hồ thủy điện, chỉ cần các hồ này xả không đúng quy trình, không thông báo trước sẽ tác động tổn thương ngay tới hạ du.

Tổng kiểm tra các điểm xung yếu để khi xảy ra vấn đề gì thì có thể xử lý ngay. Rà soát lại sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho 335.000 ha lúa ở các tỉnh tâm bão, lên kế hoạch kịch bản để tiêu thoát nước cục bộ.

Theo danviet