Bị 'chèn ép' giá, tôm Việt có thể phải rời Mỹ để qua Trung Quốc

  Nếu tình hình cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ quá gay gắt, tôm Việt sẽ tự tìm đường sang các thị trường khác để có cơ hội được bán với giá tốt hơn, nhất là EU, Trung Quốc...

Bị

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng đầu năm nay tăng chậm. Cụ thể trong 5 tháng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016 đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD. Trong đó, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm sang một số thị trường phục hồi tích cực như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đã bù đắp cho sụt giảm mạnh tại các thị trường Mỹ, Úc...

Vasep cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm là từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó xuất khẩu tôm Việt vào thị trường Mỹ vẫn còn bị áp thuế chống bán phá giá cao. Điều này đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đội lên rất nhiều khi xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện nay, đối thủ chính của tôm Việt ở thị trường Mỹ là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan. Tuy nhiên, Indonesia không bị kiện bán phá giá, còn Ấn Độ và Thái Lan dù cũng bị áp thuế chống bán phá giá nhưng có mức thuế thấp hơn so với Việt Nam. 

Không những vậy, giá thành sản xuất tôm ở các nước này cũng thấp hơn Việt Nam rất nhiều nên các doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh về giá bán. Mặt khác, thị trường Mỹ cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi chính phủ nước này liên tục có những động thái ủng hộ sản xuất trong nước, tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. 

Theo Vasep, thời gian tới, nếu thuế chống bán phá giá tiếp tục kéo dài, tình trạng cạnh tranh về giá quá gay gắt, tôm Việt sẽ tự tìm đường sang các thị trường khác để có cơ hội được bán với giá tốt hơn, nhất là EU, Trung Quốc...

Trong sự dịch chuyển của tôm xuất khẩu, Vasep nhận định EU là thị trường được các doanh nghiệp đánh giá khá cao do nhu cầu ổn định và doanh nghiệp xuất khẩu sang đây được hưởng ưu đãi thuế GSP, còn Ấn Độ - đối thủ chính của tôm Việt Nam tại đây không được hưởng thuế này. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sắp có hiệu lực cũng là cơ hội tốt để xuất khẩu tôm sang thị trường này 

"Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU khá tốt. Để xuất sang được thị trường này, ngoài việc chú ý vấn đề chất lượng, các doanh nghiệp phải thực sự đầu tư khâu chế biến để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, bù đắp lại phần chi phí khác", Vasep cho hay

Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm của Nhật Bản tăng cao do yen Nhật tăng giá. Riêng trong quý 1/2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này tăng đến 27% so với cùng kỳ. Người tiêu dùng Nhật Bản thường ưa chuộng các sản phẩm tôm nguyên con hấp chín và tôm nguyên con ăn liền, các sản phẩm tinh chế từ tôm như tôm sushi. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý khi đẩy mạnh xuất khẩu sang đây.

Đáng chú ý, theo Vasep, ở thời điểm này, Trung Quốc đang được xem là một điểm dịch chuyển mới của tôm Việt ngoài thị trường Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản chung của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt kim ngạch 382 triệu USD. Kết quả này cho thấy Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu tôm quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo Tuyết Nhung (Motthegioi)