Bỏ điều kiện nhập khẩu trong Thông tư 20, ô tô "ngoại" được cởi trói?

Bộ Công Thương đã chính thức ban hành văn bản bãi bỏ quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong Thông tư 20 (năm 2011) khi thông tư này hết hiệu lực.

Bỏ điều kiện nhập khẩu trong Thông tư 20, ô tô

Các mẫu ô tô nhập khẩu về thị trường Việt Nam sẽ không cần bổ sung các loại giấy tờ theo quy định ở Thông tư 20 khi điều kiện bổ sung thủ tục nhập khẩu bị bãi bỏ. Ảnh minh họa: Internet

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay Bộ này vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/ 2011 (Thông tư 20) quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Cụ thể, trong văn bản vừa ban hành, Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT. Điều khoản ở Thông tư này quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp: 1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

Thông tư 20 được ban hành năm 2011 và chính thức hết hiệu lực vào 1/7 năm ngoái. Khi thông tư này hết hiệu lực lập tức gây ra một cuộc tranh cãi giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu xe.

Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng cho biết, Thông tư 20 quy định thêm các giấy phép con trong kinh doanh đã làm khó cho các doanh nghiệp nhập khẩu này và tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng khi lợi ích nghiêng về một vài doanh nghiệp có được giấy ủy quyền chính hãng. Thậm chí, các quy định của thông tư này hoàn toàn trái luật và cần được bãi bỏ.

Tuy nhiên, cả các nhà nhập khẩu xe chính hãng (VIVA) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại muốn giữ Thông tư 20 và cho rằng nếu Chính phủ mở cửa cho việc nhập khẩu, thị trường xe Việt sẽ bị mất kiểm soát.

Việc đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ... có thể bị bỏ ngỏ nếu Thông tư 20 hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế. 

Thậm chí, đơn vị này lo ngại, các nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ trốn thuế bằng việc khai giá mua xe, bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước đây.

Trước đó, Bộ Công Thương cho hay thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 20, Bộ đã tổ chức họp để xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, VCCI, VAMA, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống và đã có báo cáo chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư 20 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu". Mục đích ban hành Thông tư 20 đã được thể hiện rõ tại phần đầu của Thông tư, đó là "nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".

Toàn bộ nội dung Thông tư cũng cho thấy mục đích này khi yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về việc bảo hành xe và với tư cách là nhà nhập khẩu, phân phối được nhà sản xuất ủy quyền hoặc chỉ định, phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định (như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất).

Cho tới nay, có thể khẳng định Thông tư 20 đã đạt được mục đích quan trọng của mình là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Người dùng được sử dụng xe nhập khẩu chính hãng hoặc được chính hãng ủy quyền nhập khẩu, đồng thời được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng và mọi chế độ liên quan khác do chính hãng cam kết thông qua nhà nhập khẩu, phân phối.

Việc áp dụng Thông tư 20 cũng đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô trước đây.

Cũng trong văn bản vừa gửi đi, Bộ Công Thương khẳng định: Thông tư 20 không phải là điều kiện kinh doanh bởi Thông tư này không can thiệp vào việc "bỏ vốn đầu tư" để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ô tô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ô tô.

Nói cách khác, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền "bỏ vốn đầu tư" thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.

Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện ĐTKD (ví dụ như Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, v.v... do cơ quan có thẩm quyền cấp).

Thêm đó, Thông tư 20 chỉ áp dụng cho xe mới. Theo quy định của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, các loại xe mới chỉ được phép bán cho người dùng khi kèm theo chế độ bảo hành, bảo dưỡng rõ ràng của nhà sản xuất.

Thông tư 20, vì vậy, chỉ quy định một thủ tục hành chính để bảo đảm rằng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của chính hãng sản xuất (cũng như mọi quyền lợi khác mà chính hãng sản xuất cam kết với khách hàng) sẽ được các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tôn trọng.

Phương thức để chứng thực sự tôn trọng đó là Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất, kinh doanh bởi thông thường, không một thương nhân nào có thể, hoặc được phép, bảo hành ô tô nếu không được chính hãng ủy quyền.

Là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh. Thông tư 20 không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó.

Quy định về Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc doanh nghiệp có được Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã tự hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí của hãng sản xuất và có được Giấy ủy quyền để tham gia nhập khẩu ô tô. Theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải cung cấp, vào năm 2012 (sau khi ban hành Thông tư 20) số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô đã giảm mạnh từ 539 về còn 58 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến năm 2015, con số này đã tăng lên thành 314 doanh nghiệp. Đây chưa phải là số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan nhưng trong chừng mực nào đó cũng cho thấy lượng doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô đang tăng lên.

Quy định thương nhân nhập khẩu, phân phối ô tô phải cung cấp bảo hành, bảo dưỡng chính hãng là vi phạm "quyền được đi xe mà không cần bảo hành" của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương nhận thấy ý kiến này là chưa thỏa đáng bởi khác với nhiều mặt hàng khác, ô tô là mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của người khác khi tham gia lưu thông.

Vì vậy, người sử dụng ô tô không những không có quyền từ chối bảo hành mà còn có nghĩa vụ phải bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cho biết, đã tham khảo ý kiến của Bộ KHCN và khẳng định Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, do không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" nên tất cả các ý kiến dẫn chiếu số liệu nhập khẩu ô tô thời kỳ 2011-2015 để cho rằng "Thông tư 20 đã không đạt được mục đích hạn chế nhập khẩu, cần phải được bãi bỏ" đều là không phù hợp.

Theo Phúc Vinh (ICTNews)

---

Xem thêm:

+ Video: 15 ôtô giá rẻ giảm thuế tại Việt Nam được triệu người mong chờ