Bỏ mặc vợ vào tù với đống nợ bên châu Phi, 1 năm sau điều kỳ tích đã xảy ra

Khi vợ gọi điện cầu cứu hãy cứu em, đừng để em vào tù với số nợ của anh để lại. Người chồng đã giũ sạch trách nhiệm, bỏ mặc chị một mình chốn đất khách quê người.

Cuộc hôn nhân thanh mai trúc mã, kết thúc là nước mắt và máu

Gặp chị Đỗ Kim Ngân trong buổi chiều Hà Nội, tôi có cơ hội được trò chuyện với chị, người phụ nữ đã chịu nhiều đắng cay, gian truân trong cuộc đời. 

Nói về quãng thời gian địa ngục trần gian khi ở bên châu Phi, chị Ngân không cầm được nước mắt, nói: "Chị theo chồng sang bên nước ngoài làm việc và sinh sống, ở độ tuổi gần 40 như chị, có nằm mơ chị cũng không nghĩ mình và chồng sẽ ly hôn. Chồng cũ của chị là người hiền lành, nhưng lại nghiện cờ bạc, sang bên đó anh đắm chìm vào casino, đốt tiền vào những cuộc vui đỏ đen.

Nhiều lần chị đã dặn lòng sẽ bỏ nhưng chị không đủ can đảm để nói ly hôn, bởi chị còn yêu anh ấy lắm. Khi công việc kinh doanh bên châu Phi băt đầu thua lỗ, chồng chị nợ nần chồng chất. Chủ nợ nhiều lần tới tận nhà hăm dọa nếu không trả tiền, thì ngày mai nhặt xác chồng chị về mà chôn.

Vì sợ chồng xảy ra chuyện, chị đã mua vé máy bay để chồng về nước, còn chị, sẽ ở lại đương đầu với số nợ đó. Lúc ấy, chị chỉ nghĩ rằng phải làm mọi cách để chồng không bị họ đánh đập, dù sao chị cũng là con gái, họ sẽ không làm được gì. Nhưng ngờ đâu, khi đang đứng ở cửa hàng buôn bán, cảnh sát ập vào và bắt tạm giam chị."

Nói đến đây, hai mắt chị Ngân đỏ hoe, những giọt nước mắt chua xót đã lăn dài trên đôi má, tôi hiểu được, những quá khứ đau lòng ấy đã hằn sâu trong suy nghĩ của chị, để rồi khi lục lại trong trí nhớ, chúng giống như mũi dao cứa vào vết thương mãi mãi không lành.

Bỏ mặc vợ vào tù với đống nợ bên châu Phi, 1 năm sau điều kỳ tích đã xảy ra
Chị Đỗ Kim Ngân - người phụ nữ đã mỉm cười sau quãng thời gian chông gai, gập ghềnh của cuộc hôn nhân thất bại. Ảnh NVCC

Chị chia sẻ: " Trong thời gian ngồi tù, chị cố tìm cách liên lạc với gia đình chồng nhưng họ từ chối giúp đỡ. Chị yêu cầu chồng bán đất ở Việt Nam để cứu chị ra khỏi cảnh ngục tù, nhưng anh nói, đất không bán được.

Nhưng thực sự đâu phải là vậy, anh về Việt Nam để trốn nợ cũng là lúc anh có nhân tình mới. Khi nhận được tin này, sự sống của chị như lụi tắt, đến thở chị cũng cảm thấy đau đớn đến thấu tim. Chị tự nghĩ, chị hy sinh cả cuộc đời vì anh, vì gia đình tại sao chị lại khốn khổ đến vậy.

Khi ở trong tù, chị từng bốc từng nắm cơm thiu đến chảy nước, vốc nước trong bồn cầu để uống. Ở châu Phi nóng lắm, mà xin bạn tù thì họ không cho, người ta có người nhà đến thăm, chị ngồi cả tháng ở nhà tù không lấy một lời thăm hỏi.

Và rồi, chị đã tìm lại nguồn sống từ chính các con của mình, nghĩ đến chúng, chị phải tìm cách sống và trở về Việt Nam. Để cho những kẻ đẩy chị xuống đáy của xã hội thấy rằng, chính họ đã ' tạo điều kiện ' cho chị có được ngày hôm nay."

Đằng sau những nỗi đau đến tột cùng của bi thương chính là sự giải thoát cho cuộc hôn nhân buồn chán, phản bội, tự giải thoát mình khỏi người đàn ông bội bạc và ích kỉ. Chị Ngân đã vấp phải muôn ngàn khó khăn khi hòa nhập lại với nhịp điệu của xã hội. Về nước với hai bàn tay trắng, chị đau đến thắt lòng khi nhìn các con ngồi khóc xấu hổ không dám đến trường vì không có tiền đóng tiền học.

Cha mẹ đẻ từ chối giúp đỡ, chị gò bó bản thân, trốn tránh mọi ánh nhìn của xã hội, sợ tiếng dè bỉu, chê trách từ làng xóm. Tất cả đã biến con người chị Ngân trở nên cô lập và tự kỉ trong bốn bức tường.

Chị từng cứa tay để kết thúc cuộc sống ngục tù đầy đau khổ này, từng nhiều lần tìm đủ mọi cách để hàn gắn lại với chồng, chấp nhận dù anh đã phản bội mình.

Chỉ vì yêu, chị có thể bất chấp cả sự tôn nghiêm của người phụ nữ để níu kéo anh về. Nhưng rồi, tất cả đều hoài phí. Người đàn ông chị đã hy sinh cả tuôi thanh xuân, yêu bằng cả trái tim ấy cũng không mảy may ngó ngàng tới chị, dù chỉ một lần.

Và rồi điều kỳ diệu đã đến, đã đưa người phụ nữ từng ngồi tù, ăn cơm thiu trở lại với xã hội, tìm lại con người mới của chính mình.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Chị quyết tâm đứng lên sau khi trở về Việt Nam, ngờ đâu, khi đặt chân về tới Việt Nam chị lại bị chồng mình lừa dối một lần nữa, anh đã lừa chị rằng sẽ làm lại từ đầu với chị nếu chị đồng ý ký vào giấy tờ chuyển nhượng nhà đất để giúp anh trả nợ.

Vừa ký xong, ngày hôm sau anh đã biến mất không chút dấu vết, quá chán nản và thất vọng với người đàn ông mình đặt cả niềm tin, chị Ngân đã từ bỏ ý định sẽ quay trở lại với người mình đã gọi là chồng gần nửa cuộc đời.

Tôi hỏi chị, tại sao khi anh ta đã lừa chị một lần rồi, chị vẫn tin tưởng lần nữa?

Chị cười: " Vì yêu em ạ. Khi về Việt Nam, chị vẫn ấp ủ hy vọng ấy. Nhưng em có biết không, khi chị đã bị dồn vào dưới đáy của xã hội, chị mới biết được rằng, nhờ những con người đó đã giúp chị đứng lên để làm lại từ đầu. Khi gia đình, bạn bè quay lưng lại với mình, thì xã hội lại là động lực duy nhất giúp chị có quyết tâm.

Khi ở tòa, chính bồi thẩm đoàn còn ngạc nhiên khi chồng chị từ chối nuôi con, dù nói thế nào anh ấy cũng nhất quyết từ chối nuôi con. Còn chị, chỉ khóc và nói tại sao lại ly hôn? Ký giấy ly hôn mực còn chưa khô, tình nhân của chồng chị đã có em bé được vài tháng. Đủ đau lòng, đủ buông bỏ chưa em? Người đàn ông ấy, chị không còn muốn níu kéo nữa."

Sau khi ly hôn chồng, chị Ngân đã bắt đầu vực dậy tinh thần, tự mình tìm kiếm công việc, nguồn tiêu thụ cho sản phẩm đồ gốm gia truyền 4 đời của gia đình. Từ một người phụ nữ sống trong cảnh sung sướng nay phải đi bán hàng, chở hàng kiếm từ đồng tiển lẻ. Với một mục đích duy nhất là sống và nuôi con.

Điều kỳ diệu đã xảy ra với người phụ nữ đi lên từ đáy xã hội ấy, chỉ sau gần 1 năm chị đã vực dậy kinh tế cho mình, từ người phụ nữ hai bàn tay trắng nay chị đã có hơn 7 chi nhánh ở khắp mọi miền đất nước, đủ điều kiện kinh tế để lo cho hai con cuộc sống.

Không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai như trước nữa, nhìn trong đôi mắt chị kể về thành quả lao động của mình, tôi thấy sự can trường của một người phụ nữ từng đau khổ trong hôn nhân, bị phản bội và ruồng rẫy từ chính người thân của mình.

Bỏ mặc vợ vào tù với đống nợ bên châu Phi, 1 năm sau điều kỳ tích đã xảy ra
Chị Ngân luôn tự hào trước những thành công hôm nay của mình đạt được.

Để rồi, sau cú ngã đau đớn ấy, chị tìm kiếm được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nhiều người nói, cuộc sống của người phụ nữ sau hôn nhân thường khó khăn, vì vậy có những trường hợp dù biết hôn nhân chỉ là vỏ bọc nhưng họ vẫn sống. Chị nghĩ sao?

" Nên dừng nếu hôn nhân không còn hạnh phúc nữa. Đừng cố gắng níu kéo, đàn ông họ phũ lắm, nếu mình còn níu họ càng chán ghét và muốn buông bỏ mình. Hạnh phúc sẽ ở đâu nếu người đàn ông nằm bên cạnh mình nhưng lại nhắn tin cho người phụ nữ khac? Bỏ đi, làm lại cuộc đời mới, đừng nghĩ rằng phụ nữ sau ly hôn là đau khổ, thất bại chỉ đơn giản họ đang tìm lấy hạnh phúc thục sự thuộc về mình. Đó chính là một cuộc sống không có dối lừa." Chị Ngân chia sẻ.

Hỏi về người chồng đã phản bội chị, cuộc sống của anh giờ ra sao, vì chị từng nói, nhà của chị và anh ngay sát bên nhau. Đó là mối tình đầu của chị, mối tình thanh mai trúc mã.

"Anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có tiền, không biết làm gì ngoài chơi bời. Nhưng sau khi lừa chị bán hết đất ở Việt Nam, anh trắng tay chẳng còn tài sản gì. Cuộc đời xuống dốc không phanh, khi chị nhìn thấy anh như vậy, chị thương nhiều hơn hận thù nữa.

Có lần, anh còn xin chị tiền để tiêu, xin chị tiền mua cái điện thoại, chị cũng gật đầu đồng ý, không phải chị đã quên đi nỗi đau mà anh gây ra cho chị, đơn giản anh là bố của hai đứa con, người mà chị đã từng yêu. Thay vì giúp người ngoài, chị thà giúp anh ấy.

Cho dù, sự đau đớn mà anh gây ra cho chị, cả đời này chị không quên."

Hỏi về tương lai, chị sẽ đi bước nữa chứ, chị Ngân nói, ở độ tuổi 40 như chị, nếu vấp váp một lần nữa, các con chị sẽ khổ nên trước mắt chị sẽ không nghĩ đến chuyện này. Còn nếu, ông trời thương chị, cho chị có cơ hội mở lòng lần nữa, thì đó chính là duyên số, trốn không được.

Theo PNN