Bớt khoe cũng là một cách để bảo vệ con bạn

Một sự trùng hợp thú vị: đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hôm nay, Luật trẻ em 2016 sẽ chính thức có hiệu lực. Và, một trong những nội dung được quan tâm nhất của Luật là việc cấm đưa hình ảnh, thông tin của trẻ em lên mạng xã hội nếu không có ý kiến của phụ huynh hoặc người giám hộ.

Đáng nói, như phân tích của các chuyên gia, theo bộ Luật này, việc phụ huynh của trẻ em có độ tuổi từ 7 tuổi trở lên tự ý đưa thông tin về con mình lên mạng xã hội cũng là sai, nếu không được sự đồng ý của đứa trẻ.

Trên facebook, bạn bè tôi đang tranh cãi kịch liệt về câu chuyện ấy. Có người nói, khoe là để thể hiện sự tự hào của cha mẹ về con cái, sao lại cấm?

Và, cũng có người bảo, quy định như vậy là đúng. Bởi, khi con cái còn ít tuổi, việc đưa hình ảnh của đứa trẻ lên mạng có thể trở thành vô tình cung cấp các thông tin nhạy cảm cho những kẻ xấu nhởn nhơ bên ngoài xã hội.

Bớt khoe cũng là một cách để bảo vệ con bạn
Trẻ em với mạng xã hội. Ảnh: Internet

Thực ra, đây là một cuộc tranh luận không có hồi kết, và sẽ còn tiếp tục nóng bỏng,  chừng nào các bậc cha mẹ không ý thức được những vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc bảo vệ chính con cái họ ra sao, trong một xã hội đầy rẫy vấn đề lớn.

Nhất là khi, mối đe dọa đang ngày càng tăng đối với trẻ, từ nạn ấu dâm và bao hiểm họa rình rập quanh đứa bé mà ta đôi khi cũng khó hình dung.

Tranh cãi về việc post một tấm hình về con cái ta lên mạng, trên thực tế không chỉ đơn thuần là việc ta thích làm điều ấy là làm hay không - dù với nhiều người, điều ấy là tự nhiên và lâu dần thành một dạng thói quen mang tính... bệnh lí là khoe con.

Xa hơn, đó còn là câu hỏi về việc bạn tôn trọng con cái bạn. Và bây giờ, sự tôn trọng đó được quy định bằng luật.

Quy định ấy, trên thực tế, là văn minh.Nó nhằm mục đích bảo vệ chính những đứa con của bạn, nhất là những đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên, chưa tự bảo vệ được mình và chưa hiểu được những nguy cơ có thể tác động tiêu cực đến nó.

Bạn tôi, một phụ nữ Italy, bảo rằng ở Phương Tây, các bậc phụ huynh bảo vệ trẻ em một cách rất cụ thể và mạnh mẽ trong thời buổi mạng xã hội là một nguy cơ lớn.

Họ cũng dùng Facebook, nhưng vì xu hướng văn hóa và lối sống, họ rất ngại để lộ những điều mang tính cá nhân cho thiên hạ thấy.

Họ hầu như không bao giờ đưa ảnh con cái lên mạng, vì sợ rằng những thông tin và hình ảnh ấy cung cấp ấy không những cung cấp các thông tin về gia đình họ, mà còn vô tình phơi bày con cái họ trên mạng, tạo một cơ hội lí tưởng cho những kẻ xấu (những kẻ ấu dâm, những kẻ buôn bán hoặc mại dâm trẻ em…) sưu tầm thông tin về con mình.

Bởi thế, quy định về việc xin phép đưa trẻ khi đưa thông tin của nó lên mạng xã hội không chỉ là một lời nhắc nhở cha mẹ về việc tôn trọng quyền cá nhân của con cái.

Đó còn là lời khuyêncho chính chúng ta về việc cần nhận thức được các nguy cơ lơ lửng trên đầu bọn trẻ -  một khi ta “hứng chí khoe” quá mà vô tình đẩy chúng vào tình thế khó khăn nào đó.

Mà sự khó khăn ấy có khi không đến ngay lúc này, mà có thể sau đó nhiều tháng, nhiều năm. Lúc ấy,  khi những điều xấu xảy ra, đã quá muộn để chúng ta khắc phục sự thiếu ý thức của mình.

Ngày 1/6 cũng là thời điểm sắp hết năm học. Và, trên facebook cũng đang rộ lên một trào lưu tưởng chừng vô hại: phụ huynh liên tục đưa lên những bảng điểm cao ngất của con, kèm theo những lời khen.

Vô tình, họ vừa thúc đẩy lẫn nhau,vừa thúc đẩy con mình vào một cuộc cạnh tranh thành tích đầy mệt mỏi năm này qua tháng khác. Để rồi, cuối cùng họ lại lên án một nền giáo dục vị thành tích đang xảy ca với con cái mình.

Các quy định đang được đặt ra để bảo vệ chính con cái chúng ta. Cần phải hiểu điều này. Nhưng điều quan trọng nhất hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của bạn với con cái. Bạn yêu chúng, nhưng cần biết và nếu chưa biết thì cần học cách để bảo vệ chúng một cách thông minh.

Theo thethaovanhoa