Bún ba khía, bún kèn - món ăn lạ mà quen ở vùng sông nước miền Tây

Những món ăn đặc trưng vùng sông nước miền Tây như bún ba khía, bún kèn rất lạ miệng nhưng vô cùng hấp dẫn thực khách.

Bún ba khía

Ba khía họ cua, khác một chút về hình dạng và trên lưng có 3 gạch (khía) nên người dân miền Tây gọi là ba khía. Trước đây ba khía muối là món ăn của người nghèo nhưng ngày nay đã trở thành món khoái khẩu, đặc sản mà nhiều người đến đây thích thú.

Để bắt ba khía, trước đây vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, người dân ven biển miền Tây đem thau, thùng... cùng đèn đuốc đi soi ba khía bắt cặp từng chùm trên các cây bần, cây mắm. Để thu hoạch nhiều, người ta dùng tay mang bao da gạt hoặc lấy rổ cào chúng vô vật đựng. Giờ ba khía ngày càng hiếm, để bắt được cũng mất công hơn.

Bún ba khía, bún kèn - món ăn lạ mà quen ở vùng sông nước miền Tây

Bún ba khía lạ mà quen của ẩm thực miền Tây. Ảnh: I.T

Thường thì ba khía ở Cà Mau, Bạc Liêu sẽ ngon hơn cả bởi hương vị đậm đà, thịt thơm ngon. Có rất nhiều cách chế biến ba khía như nướng, rang me, luộc nước dừa ba khía muối... Nhưng đã đến đây, bạn nhất định thử món bún ba khía dân dã, lạ mà quen của người dân sông nước.

Món ăn này có hai nguyên liệu là bún tươi và ba khía hấp nước dừa ăn cùng nước mắm chua ngọt. Khi dùng, người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều với đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt. Đây là một món ăn mang đậm bản chất vùng miền, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn.

Bún kèn

Bún kèn - cái tên nghe lạ gợi trí tò mò là đặc sản của Châu Đốc, An Giang hoặc Cần Thơ. Mặc dù không nhiều khách du lịch biết món ăn này nhưng nếu đến đây bạn đây, nhất định nên thử món bún lạ miệng này. Nguyên liệu để nấu bún kèn gồm nước cốt dừa, thịt cá, ngũ vị hương, bột điều, sả, nghệ... nên cách chế biến cũng cầu kỳ hơn bún ba khía.

Bún ba khía, bún kèn - món ăn lạ mà quen ở vùng sông nước miền Tây

Bún kèn - món ăn dân dã ở miền Tây. Ảnh: Yan

Gọi là bún kèn bởi có người cho rằng “kèn” trong tiếng Khmer dùng để ám chỉ những món ăn có sử dụng nước cốt dừa. Mỗi nơi có một cách chế biến nước lèo (nước dùng) khác nhau nhưng cơ bản được nấu từ các loại cá ngân, cá biển...

Cá được xay nhuyễn rồi mang đem xào với sả, ớt, tỏi… xào đến khi cá khô và thơm giòn, giữ được vị bùi và mặn mà, thơm ngon. Sau đó cho nước cốt dừa, nước cá luộc đã lọc bỏ xương... rồi nêm nếm gia vị, nấu cho đến khi nước sền sền. Gia vị nhất thiết phải có bột cà ri hoặc ngũ vị hương, nước cốt dừa. Khi ăn, món bún có vị thanh thanh, tươi mát, để lại những hương vị khó quên.

Theo Danviet