Cẩn thận nhập viện vì tin lời đồn thổi về loài nấm khiến "1 người khỏe, 2 người vui"

Việc tự ý hái nấm mọc hoang trong rừng về để làm “thần dược” phòng the vô cùng nguy hiểm, có thể bị ngộ độc vì hái nhầm phải nấm độc.

Thời gian gần đây rất nhiều người truyền tai nhau về một loại nấm được coi là “thần dược” phòng the, giúp cho quý ông có sinh lực sung mãn khi “lâm trận”. Được biết, loại nấm này có tên là ngọc cẩu và được nhiều người chào bán trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau.

Có thời điểm, giá nấm ngọc cẩu tại Hà Nội lên tới 2 triệu đồng/kg. Còn hiện nay, giá được dao động từ 400.000 - 800.000 đồng/kg tùy theo kích thước và độ tuổi của nấm cũng như địa điểm thu hái nấm.

Theo lời giới thiệu, nấm ngọc cẩu chất lượng và giá thành cao nhất là loại được lấy ở đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang). Giá nấm ở đây được bán không dưới 2 triệu đồng/kg.

Ngoài Tây Côn Lĩnh, nấm ngọc cẩu cũng được tìm thấy ở dãy Hoàng Liên Sơn, rừng Cúc Phương, Thái Nguyên, các núi vùng Tam Đảo, Yên Bái…

Cẩn thận nhập viện vì tin lời đồn thổi về loài nấm khiến

Loại nấm được cho là "thần dược" phòng the đang được rao bán rầm rộ trên mạng. Ảnh: Internet.

Về cách sử dụng loại nấm này, người bán sẵn sàng hướng dẫn chi tiết người tiêu dùng về cách chế biến làm sao mang lại tác dụng tốt nhất. Theo đó, loại nấm ngọc cẩu này có thể sử dụng bằng cách ngâm rượu uống, hầm chín ăn hoặc có thể sử dụng bằng cách phơi khô sau đó sắc nước uống. Người dùng có thể nhận thấy kết quả sau 1 đến 2 tuần sử dụng.

Trước những lời giới thiệu về loại nấm được cho là “thần dược” phòng the này, chúng tôi đã liên hệ tới Ths.BS Đặng Thị Huyền Nga (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) thì được biết, đây không phải là lần đầu tiên các tin đồn về nấm ngọc cẩu rộ lên. Cách đây một vài năm đã từng xuất hiện, thậm chí còn được các thương lái người Trung Quốc thu mua với giá khá cao.

Theo BS Nga, nấm Ngọc Cẩu hay còn gọi là cây tỏa dương, đây là loại cây thường mọc và sống ký sinh trên những rễ của những cây gốc lớn trong rừng sâu ẩm thấp.

Cẩn thận nhập viện vì tin lời đồn thổi về loài nấm khiến

Ths.BS Đặng Thị Huyền Nga đang khám bệnh.

Loại cây này hay gặp nhất ở các vùng Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái… Người dân dùng tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở…

Đồng thời, BS Nga cho biết thêm, loại nấm ngọc cẩu mọc tự nhiên ở trong rừng dường như không còn nữa. Những sản phẩm được giới thiệu, chào bán trên mạng xã hội là được người dân tự trồng, nên chất lượng không cao do nấm còn non, ít giá trị về y học.

Riêng đối với những lời giới thiệu là “thần dược” phòng the. BS Nga thẳng thắn nói: “Đây không phải là thần dược, không có tác dụng giúp “1 người khỏe, 2 người vui”, nếu có chăng chỉ giúp tăng cường thể trạng phần nào đó mà thôi”.

Ngoài ra, BS Nga cũng cho rằng, nấm ngọc cẩu nói riêng và các loại cây thuốc đông y khác nói chung chỉ có tác dụng cho những ai đang thật sự cần. Còn những người đang khỏe mạnh, bình thường mà sử dụng thì không có tác dụng.

“Loại nấm này có màu đỏ, mọc dại trong rừng, đặc biệt là mọc ở những nơi ẩm thấp. Vì thế, nếu không có kiến thức, chuyên môn cứ thế hái về sử dụng thì rất dễ nhầm lẫn với các loại nấm độc gây tử vong.

Ngoài ra, nếu không biết cách chế biến thì cũng dễ nhiễm các loại ký sinh trùng độc hại ở trong nấm. Đó cũng là một trong số tác nhân gây hại đối với sức khỏe”, Ths Nga cảnh báo.

Cuối cùng để phòng tránh nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra, TS Nga khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý thu hái và sử dụng các loại nấm mọc hoang trong rừng về sử dụng. “Nếu muốn tăng cường sinh lực thì có rất nhiều cách như thường xuyên tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ thì sẽ khỏe và tránh được nguy cơ bệnh tật”, BS Nga nhấn mạnh.

Theo KP