Càng giãy càng chết: mô hình kinh doanh tỷ đô của Uber đã tới hồi kết

"Fake it till you make it" - câu nói nổi tiếng của người Mỹ khi miêu tả về những cuộc chơi mà người chơi không thể biết trước mình đang thắng hay thua. Với Uber, thắng là bề nổi, còn thua thì sao…

Lợi nhuận, lợi nhuận ở đâu?

Uber ra đời được 4 năm, và 4 năm này đã đem về cho họ 10 tỷ USD tiền đầu tư, và định giá doanh nghiệp lên đến 62,5 tỷ USD.

Đồng thời Uber cũng giành danh hiệu SVCOTFTWE (công ty công nghệ của Silicon Valley sẽ chiến thắng tất cả trong tương lai).

Nhưng đằng sau hào quang ấy là gì?

Trong nửa năm đầu của 2015, Uber thu về 3,6 tỷ USD doanh thu, với doanh thu biên (là doanh thu sau khi trừ các chi phí vô hình và hữu hình) là 663 triệu USD. Nhưng lợi nhuận biên chỉ là 25 triệu USD...

Chỉ 25 triệu đô và còn bị âm lợi nhuận trong Q2 cùng năm tài chính - điều ấy nói lên rằng: mô hình kinh doanh của Uber thật sự đang tiêu tốn quá nhiều chi phí để tạo ra doanh thu (Cost of Revenue).

Nếu xét theo tỷ lệ nhỏ hơn, Uber đang tạo ra 0,07 USD lợi nhuận trên mỗi 10 USD họ kiếm được. Con số này nếu xét trên quy mô lớn thì ổn, không vấn đề gì.

Nhưng quy mô lớn chính là vấn đề họ gặp phải: một mô hình kinh doanh như vậy nếu gặp phải vấn đề cực lớn thì cả quy trình sẽ chết, khi ấy quy mô càng thu hẹp - lợi nhuận càng ít đi theo cấp số nhân!

Càng giãy càng chết: mô hình kinh doanh tỷ đô của Uber đã tới hồi kết

Uber có quá ít thông tin để đảm bảo sự tin tưởng

Câu chuyện về tài chính ít ảnh hưởng đến người Việt Nam, do chúng ta không mua cổ phiếu của Uber. Nhưng chính sách của Uber có thể khiến nhiều người Việt Nam phải phá sản: nếu một ngày Uber sụp đổ, ai sẽ giúp chúng ta trả nợ chiếc ô tô mà bạn dùng để chạy Uber?

Nên nhớ là thị trường cho thuê xe ô tô ở Việt Nam hiện giờ đang rất khó "kiếm ăn" do xe quá nhiều mà nhu cầu lại không cao.

Chính vì vậy, Uber sụp đổ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụycho cả người Việt lẫn người Mỹ - đối tượng được Uber trợ giá để mua xe kiếm sống.

Nói đến đây chắc nhiều người sẽ phản bác: họ có vô số cái đầu cực giỏi về tài chính để lo về chuyện này và chúng ta đang lo bò trắng răng?

Chưa chắc, vì hãy nhớ đến vô số mô hình tương tự cũng phát triển dựa trên danh tiếng, thu cực kỳ nhiều tiền và gần như là "tương lai" - để rồi cuối cùng là trò lừa tài chính.

Vung tiền phát triển vô tội vạ

Đây chính là điểm đáng sợ và cũng là mẫu số chung của nhiều tổ chức lừa đảo tài chính: họ phát triển vô tội vạ!

Càng phát triển nhanh, những vấn đề "ngầm" càng khó được giải quyết. Và chính xác là cho đến nay, chưa có bất kỳ ai nói kỹ càng, hay công bố những vấn đề mà Uber từng gặp phải. Tất cả đều là màu hồng, và mọi người chấp nhận tin vào màu hồng này.

Ngoài ra, những cổ đông của Uber không được phép bán cổ phiếu của mình. Nghe có vẻ phù hợp, vì không ai muốn công ty non trẻ của mình được thâu tóm.

Nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ khác: không ai bán được cổ phiếu, không ai có cơ hội rút khỏi kinh doanh, và sẽ không có ai dám nói lên sự thật nào đó về Uber… Tất cả mọi người phải lao vào bòn tiền nhiều và mạnh hơn nữa!

Càng giãy càng chết: mô hình kinh doanh tỷ đô của Uber đã tới hồi kết

Điều cuối cùng, ai cũng có thể giết chết Uber!

Bạn, một tài xế Uber bình thường, cũng có thể giết chết Uber bất cứ lúc nào. Uber không có tài sản cố định để đảm bảo - tất cả chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên. Và tài xế Uber chính là sản phẩm của Uber.

Một khi những đối thủ khác ngoài Grab xuất hiện (và đã xuất hiện thật, khi các hãng Taxi Việt Nam như Vinasun cũng bắt đầu áp dụng chính tuyệt chiêu của Uber) và sử dụng mức giá rẻ hơn: khách hàng sẽ chẳng còn quan tâm đến Uber nữa.

Không thể nói là Uber là xe sang, đi xe sang sẽ thích hơn. Đây là loại biện chứng phi lý trí. Đúng logic, không ai không muốn dùng đồ rẻ.

Và Vinasun thừa lực để đào tạo đội lái xe của họ trở nên gai góc hơn những tài xế nửa mùa nào đó (nếu bạn không biết, trong một cuộc trò chuyện của tôi với tài xế Vinasun, tôi phát hiện ra rằng: Vinasun đào tạo tài xế taxi cực nghiêm ngặt, những ai không trụ được những ca làm việc 16 tiếng liên tục dễ dàng bị đào thải - đó là lý do họ tuyển hàng ngàn tài xế mới mỗi năm, và ai cũng biết cách kiếm tiền).

Sự thật là ngay tại Mỹ, Uber cũng đang gặp vấn đề với tài xế: chỉ một năm sau khi đăng ký chạy Uber, chưa đầy 50% số tài xế là tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, vì không đào tạo chuyên nghiệp, dù có 20.000 xe tại thành phố New York, nhưng chỉ có 2.000 xe thực sự hoạt động.

Trở lại với vấn đề thứ nhất: Uber kiếm rất ít tiền, nên phải dựa vào hoạt động quy mô lớn để đảm bảo lợi nhuận - doanh thu.

Nhưng mô hình kinh doanh dựa trên niềm tin thế này, quy mô kinh doanh ngày càng thu hẹp - càng hẹp, bạn càng khát vốn. Càng khát vốn, bạn càng phải bơm mình căng phồng lên…

Lời kết tôi có thể nói thế này: Wall Street rất muốn phát triển một hình thái kinh tế mới: Sharing Economy, kinh tế chia sẻ.

Do đó, Uber phát triển đúng thời để làm tiền đề cho mô hình này phát triển. Nhưng còn tương lai ư, tôi không chắc lắm nếu họ cứ tiếp tục đốt tiền như vậy…

Theo trithuctre