Cảnh báo trẻ bị điện giật, bỏng do tiếp xúc với điện

Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, điện giật ở trẻ em là một tai nạn thường gặp và để lại nhiều di chứng. Một ví dụ điển hình là gần đây ghi nhận một trẻ nhỏ đã cắn dây điện, bị điện giật gây bỏng miệng.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, bỏng điện thường bỏng sâu và để lại hậu quả nặng nề về chức năng vận động, thẩm mỹ, chấn thương đi kèm khi té ngã, thậm chí là tử vong.

Trong đó, bỏng vùng miệng do trẻ cắn vào dây điện là một trường hợp tai nạn hay gặp. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã liên tục tiếp nhận trường hợp trẻ bị bỏng điện.

Trẻ bị bỏng khắp vùng miệng do cắn dây điện trong lúc chơi đùa

Cụ thể, trường hợp gần đây nhất Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho trường hợp bỏng vùng miệng do cắn vào dây điện của một bé gái 2 tuổi.

Theo đó, một bé gái 2 tuổi ở Thị trấn Lục Yên, Yên Bái trong khi chơi cháu đã ngịch cắn vào dây điện bị điện giật gây bỏng vùng miệng. Chị gái cháu bé (14 tuổi) ngồi trông em, nhưng mải xem điện thoại không để ý, nên tại nạn đáng tiếc đã xảy ra với em gái mình.

canh-bao-tre-bi-dien-giat-bong-do-tiep-xuc-voi-dien

 Cha mẹ cần cảnh giác, tránh để trẻ tiếp xúc với thiết bị điện gây bỏng, giật điện

Sau khi cắn vào dây điện cháu bị bất tỉnh 10 - 15 phút, cháu không được sơ cứu gì, gia đình chuyển cháu đến Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, tại đây cháu được tiêm kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày.

Sau đó cháu chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác với tổn thương bỏng diện tích 20cm2 (10cm2) sâu độ III, IV vùng miệng cằm; tình trạng toàn thân tỉnh, ăn kém, vùng miệng, cằm hoại tử ướt tiết dịch mủ nhiều.

Với tổn thương bỏng sâu ở vùng miệng, cháu sẽ có rất nhiều nguy cơ để lại di chứng sẹo co kéo vùng miệng. Khi bị sẹo gây co kéo vùng miệng sẽ gây ảnh hướng tới chức năng ăn uống qua đường miệng của cháu và thẩm mỹ trên khuôn mặt. Quá trình điều trị cháu được chỉ định dùng kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, phẫu thuật ghép da mảnh. 

Tương tự, trước đó bé Nguyễn Văn Nam (4 tuổi) ở Tề Lỗ, Yên Lạc, Vĩnh Phúc nhập Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng người yếu lả, môi trên sưng to, cháy xạm, lưỡi và trong miệng trắng nhợt.

Mẹ bé Nam cho biết, sáng đó, vợ chồng chị đi làm nên để hai cậu con trai ở nhà chơi với nhau, nhờ người bác nhà bên thỉnh thoảng sang trông chừng. Tầm hơn 9 giờ, cậu em 4 tuổi thấy cuộn dây điện bố hay dùng để cắm nhờ sang nhà hàng xóm mỗi khi mất điện, liền cắm một đầu vào ổ, còn một đầu cho vào miệng cắn.

Bị điện giật, cậu bé sợ quá, lấy tay kéo mạnh lôi phích điện khỏi ổ. Lúc này người bác sang thấy mùi khét lẹt, cháu nằm thất thần, miệng ú ớ không nói được, mới gọi người đưa cháu tới viện cấp cứu. 

Viện Bỏng Quốc Gia cho biết, do cháu Nam bị bỏng điện trong miệng nên việc điều trị rất khó khăn. Cháu được tiêm kháng sinh, truyền nước, ăn uống qua đường xông, thở khí dung và bôi mật o­ng để các lớp da hoại tử bong dần ra.

Mặc dù cháu bé đã đỡ hơn nhưng thời gian điều trị cho cháu có lẽ còn dài và có thể để lại biến chứng về sau như mất cảm giác khi ăn uống, viêm nhiễm trong miệng, họng...

Cha mẹ làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị bỏng điện?

Qua trường hợp trên, các bác sĩ cho biết, hoàn cảnh bỏng điện ở trẻ em rất đa dạng thường là do sơ suất của người lớn, người lớn sắp xếp các đồ vật ở tầm thấp, không đúng nơi quy định nên trẻ có thể với tay tới được.

Trẻ bị bỏng điện hay gặp là do sờ tay vào phích cắm/ ổ cắm điện bị hở và dây điện bị hở nên vị trí bỏng thường gặp ở tay hoặc chân. Trẻ bị bỏng vùng miệng do cắn vào dây điện bị điện giật là một trường hợp tuy ít hơn nhưng cũng rất hay gặp.

Trẻ em bị bỏng điện xảy ra trong nhà là chủ yếu. Do vậy, nên lắp các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn. Sử dụng các ổ cắm có nắp đậy, có rơ le tự ngắt khi chập điện. Để ổ điện trên cao ngoài tầm với của trẻ.

Tuyệt đối không mắc dây điện trần trong nhà. Không cho trẻ chơi gần đường điện. Không cho trẻ nghịch dụng cụ điện. Không cho trẻ thao tác cắm điện.

Cất kín dụng cụ điện. Bịt kít ổ điện khi không dùng đến. Không cho trẻ tự sửa chữa điện. Khi trông trẻ phải có sự giám sát thường xuyên của người lớn.

Cũng theo các bác sĩ, khi phát hiện ra trẻ bị điện giật phải bình tĩnh, nhanh chóng cắt nguồn điện hoặc dùng vật liệu cách điện sẵn có (đứng trên tấm ván gỗ khô, đi dép hoặc đeo găng tay cao su, gậy gỗ khô…) gỡ dây điện khỏi trẻ. Ngay sau đó kiểm tra chức năng sống của trẻ.

Nếu trẻ bị điện giật nhẹ, sau khi ngắt dòng điện, trẻ có thể tự phục hồi tỉnh táo, tự thở bình thường. Nếu trẻ bị nặng, bất tỉnh, ngừng thở, ngừng tim cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu ngay lập tức cho trẻ: Hà hơi thổi ngạt - ép tim ngoài lồng ngực (làm ngay, không được vận chuyển).

Chỉ chuyển trẻ đến bệnh viện gần nhất khi trẻ đã thở và tim đập trở lại. Tăng cường giáo dục truyền thông kiến thức về sử dụng điện an toàn cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ bỏng điện ở trẻ em. 

Theo VietQ