Cảnh giác lừa đảo trên Zalo, giả mạo người quen để mượn tiền



Chiêu giả mạo người thân, bạn bè để nhắn tin mượn tiền, lừa đảo trên Zalo vì đang bận việc không nghe máy được khiến nhiều người tá hỏa.

Lập nick, “mượn” ảnh để nhắn tin vay tiền

Lập nick giả mạo, đưa ảnh của người được mạo danh lên mạng xã hội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản là hình thức không mới, nhưng gần đây đã có sự biến tướng nguy hiểm.

Ngày 26/9, chia sẻ với phóng viên, chị H. (ở Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị vừa phải đăng một thông báo lên trang Facebook cá nhân và tài khoản Zalo để cảnh báo về một tài khoản Zalo giả mạo tên chị để nhắn tin mượn tiền người quen và bạn bè của chị H.

"Gần 8h sáng thấy đứa em dâu gọi điện hỏi thông tin để chuyển khoản, và nói rằng tôi vừa nhắn tin mượn tiền của cậu em trai. Nghe vậy tôi ngỡ ngàng vì trước đó không hề hỏi mượn tiền của ai nên báo với em là có sự nhầm lẫn", chị H. cho biết.

Cảnh giác lừa đảo trên Zalo, giả mạo người quen để mượn tiền

Thông báo của chị H. trên trang cá nhân để mọi người cảnh giác.

Theo chia sẻ của chị H., chỉ vài phút sau, cô em dâu lại tiếp tục gọi điện và thông báo vừa nhận được tin nhắn hỏi mượn tiền được gửi trực tiếp đến Zalo mang tên cô, do vậy gọi lại để xác minh. "Cô em tôi đã đối chứng tài khoản Zalo vừa gửi tin nhắn mượn tiền và tài khoản trước đó của tôi vẫn thường liên lạc, mới giật mình đây là tài khoản giả mạo không phải là tài khoản mà tôi đang sử dụng", chị H nói thêm.

Cảnh giác lừa đảo trên Zalo, giả mạo người quen để mượn tiền

Kẻ gian lập tài khoản Zalo giả mạo rồi kết nối với người thân, bạn bè nạn nhân để lừa đảo.

Mặc dù trước nay đã biết đến nhiều chiêu hack nick và giả mạo tài khoản Facebook nhằm mục đích xấu. Tuy nhiên, theo lời chị H. thì đây là lần đầu tiên chị gặp trường hợp tài khoản Zalo bị giả mạo, trong khi đó, những hình ảnh kẻ gian đăng tải lên tài khoản Zalo mạo danh nhằm tăng thêm sự tin cậy, đều được "mượn" từ tài khoản Facebook cá nhân của chị H.

"Thật bất ngờ vì kẻ gian lừa đảo ngày càng tinh vi, chắc chắn những kẻ lừa đảo đã tìm hiểu trước về người thân và bạn bè xung quanh người cần lừa đảo, từ đó mới tìm cách lừa tiền nhắm vào lòng tin của người bị hại", chị H. nhận định.

Cảnh giác lừa đảo trên Zalo, giả mạo người quen để mượn tiền

Tin nhắn hỏi mượn tiền của kẻ gian. 

Cảnh giác với chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Văn Tân (Công an Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đó cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo các đối tượng hack thành công tài khoản Facebook của người dùng để đi lừa đảo hỏi mượn tiền hoặc nhờ nạp thẻ điện thoại.

Tuy nhiên các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, kẻ gian không cần hack tài khoản mà tìm hiểu các thông tin cá nhân về người thân và bạn bè của nạn nhân, từ đó tạo thêm tài khoản tương tự để lừa đảo.

Ngoài ra, theo Đại úy Tân, trường hợp giả mạo tài khoản Zalo bằng cách lấy ảnh, thông tin cá nhân của nạn nhân trên Facebook cá nhân để lừa đảo thì khá mới mẻ. Do vậy, Đại úy Tân  khuyến cáo người dùng nên hạn chế chia sẻ nhiều thông tin đời tư của mình trên mạng xã hội, bởi đó có thể là cơ hội giúp cho nhiều kẻ gian trục lợi bất cứ lúc nào.

“Khi gặp những tình huống trên, người dân phải cảnh giác và không thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng này để tránh bị lừa đảo. Không cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho kẻ gian, đặc biệt không chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người lạ.

Mặt khác, khi có những lời xin giúp đỡ mượn tiền hay nạp thẻ điện thoại... nên liên hệ ngay đến người đó để đảm bảo rằng thông tin chính xác. Đồng thời thông báo vụ việc tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ”, Đại úy Tân khuyến cáo.

Theo vietq