Cháo dinh dưỡng có thực sự... dinh dưỡng?

Để tránh những ẩn họa khôn lường, các mẹ không nên vì thời gian eo hẹp hoặc vì… lười mà thường xuyên cho trẻ ăn loại cháo gắn mác “dinh dưỡng”, chưa được kiểm định chất lượng.

Dạo một vòng quanh đường phố, khu dân cư, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các địa điểm chế biến cháo dinh dưỡng, có bày bán đủ loại cháo như thập cẩm, rau, đậu, ngũ cốc, cháo cá, thịt bò, lươn, cua, ếch... Nhiều phụ huynh vì không có thời gian hoặc nghĩ rằng cháo đã có đủ chất dinh dưỡng như “quảng cáo” nên đã tin tưởng mua về cho con.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên nhầm lẫn về khái niệm cháo dinh dưỡng. Một loại cháo được coi là cháo dinh dưỡng thì phải tính toán sao cho đủ, cân đối giữa các chất đạm, vi chất dinh dưỡng có trong gói cháo tuỳ thuộc theo độ tuổi của trẻ. Vì thế, nó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có chuyên môn chứ không thể tuỳ tiện gắn mác “dinh dưỡng”.

Cháo dinh dưỡng có thực sự... dinh dưỡng?

Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Như đã biết, trẻ em trong độ tuổi ăn dặm (từ 6-24 tháng tuổi) đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất về sau.

Bởi vậy, thường xuyên cho trẻ dùng loại cháo bán sẵn, chưa rõ chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng sẽ làm trẻ thiếu hụt năng lượng, về lâu dài sẽ bị suy dinh dưỡng. Đó là chưa kể đến rất nhiều nguy cơ gây rối loạn chuyển hoá, gây bệnh gan, thận nếu trong cháo chứa thành phần chất bảo quản natri benzoat (tức chất chống chua, chống nấm mốc).

Lời khuyên dành cho phụ huynh có con nhỏ trên báo Sức khoẻ & Đời sống, cách tốt nhất là bạn nên tự nấu cháo tại nhà cho bé ăn, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, lại sạch sẽ. Lưu ý:

- Cách nấu cháo nhanh nhất mà vẫn thay đổi được khẩu vị từng bữa là nấu một nồi cháo trắng, sau đó để trong tủ lạnh, đến bữa lấy đủ lượng cháo ra nấu. 

- Thịt, cá, tôm cũng được xay nhuyễn, chia thành từng phần, đủ một bữa để trong ngăn đá tủ lạnh. 

- Trong điều kiện không có tủ lạnh để bảo quản, nên chế biến từng bữa một cho bé, hoặc nếu làm sẵn thì cũng cần cho vào từng hộp nhỏ và ngâm vào nước lạnh để đảm bảo an toàn. 

- Nếu hôm nào bố mẹ quá bận rộn, muốn mua cháo dinh dưỡng cho con thì cần tìm hàng cháo uy tín, sạch sẽ, có tủ lạnh để bảo quản thức ăn.

Dưới đây là một vài gợi ý để mọi người có thể tự nấu lấy món cháo dinh dưỡng tại nhà:

Để không tốn gas mà cháo nhừ: Nên đun sôi gạo từ buổi tối, sau đó cho vào một bình thuỷ, sáng hôm sau đã có một nồi cháo trắng nhuyễn nhừ.

Để không mất công xay nhuyễn thực phẩm: hãy băm thịt thật nhuyễn, bỏ những sợi gân xơ, sau đó hoà tan với nước lạnh, cho vào cháo còn đang nguội rồi đun sôi chín thịt. Như vậy thịt không bị vón cục và bé ăn rất dễ dàng.

Để bé ăn được thực phẩm tươi: buổi sáng nên cho bé ăn một chén cháo trứng (cháo trắng và một quả trứng) hoặc cháo sữa (cháo trắng và bảy muỗng sữa bột). Trưa, chiều, tối thì ăn cháo với thịt bằm hoặc các loại khác.

Để có cháo thơm ngon: lấy một nắm lá rau xanh (rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền...) băm nhuyễn cho vào cháo khi đã chín thịt. Đun sôi chín rau, cho một muỗng canh dầu ăn vào nồi cháo, đun sôi là xong.

Bé mới tập ăn không nên nêm nếm mặn, ngọt vì bé không thích, còn nếu bé đã quen với vị nêm thì cứ tiếp tục nêm. Bé ăn bữa nào thì nấu thịt rau bữa đó, không nên nấu một nồi ăn cả ngày (trừ cháo trắng là nấu sẵn).

Theo nguoiduatin