Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2016

Từ 1/9, những chính sách về hỗ trợ học sinh khó khăn, tính lương hưu cho người dưới mức 2 triệu đồng... sẽ được thực thi.

Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho mỗi học sinh đặc biệt khó khăn

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2016

Từ ngày 01/9/2016, Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, mức hỗ trợ mới đối với các đối tượng được hưởng chính sách nêu trên như sau:

- Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh, tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).

- Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh.

(Số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; mỗi trường được hưởng không quá 05 lần định mức/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm).

Cách tính lương hưu cho người có mức dưới 2 triệu đồng/tháng

Thông tư 23 của Bộ Lao đông – Thương Binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/9, hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng thì đối tượng là người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh như sau:

Đối với người có mức lương hưu dưới và trên 1,75 triệu đồng/tháng, mức lương hưu sau điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.

Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp dưới và trên 1,85 triệu đồng/tháng cũng sẽ được điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Thông tư 23 còn hướng dẫn cách tính lương hưu tăng thêm đối với: Người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/5/2016. Giáo viên mầm non có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

Phạt đến 3 triệu đồng nếu phân bón dưới nền nhà

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2016

Phạt tiền đến 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.

Theo Nghị định 115/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/9, hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà xếp, để sản phẩm phân bón lẫn với nguyên liệu sản xuất tại nhà xưởng sản xuất phân bón hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.

Tăng cường xử lý sau kiểm tra đấu thầu

Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu.

Theo đó, nếu đơn vị được kiểm tra có sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động đấu thầu, cần có thời gian để khắc phục thì đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra (KLKT). Người đứng đầu đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện KLKT và báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện KLKT đó.

Tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện KLKT mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì có thể bị xử lý theo các hình thức: Xử phạt vi phạm hành chính; Xử lý kỷ luật; Truy cứu trách nhiệm hình sự; Bồi thường theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.

Quy định về kỳ thi thăng hạng của viên chức tài nguyên và môi trường

Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BTNMT-BNV quy định về kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên - môi trường (TNMT) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2016.

Theo đó, viên chức chuyên ngành TNMT được miễn thi môn ngoại ngữ khi có 01 trong các điều kiện sau: Từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ tính đến thời điểm thông báo nộp hồ sơ dự thi; Đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền; Là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số; Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ; Có bằng tốt nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi thăng hạng mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 13 còn quy định viên chức được miễn thi môn tin học nếu đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

Theo K.N (Giadinh)