Cho con học tại nhà: Nếu phụ huynh đủ "chất"!



Câu chuyện hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học và đạt được những kết quả cao bất ngờ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Được biết, cả hai anh em đều đang luyện thi chứng chỉ quốc tế về trung học IGCSE (The International General Certificate of Secondary Education), học tiếng Anh, học đàn (Nhật Anh học đàn ghita, Thái Anh học piano), tập thể dục, làm việc nhà...

Tháng 9-2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi. Riêng Nhật Anh thi IELTS vào tháng 7-2015 đạt 8.0.

Từ tháng 2/2017, Thái Anh nhập học lớp 9 tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM.

Dự kiến Nhật Anh thi lấy chứng chỉ quốc tế IGCSE vào tháng 5/2017, nếu đậu gia đình sẽ cho cháu du học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến.

Cho con học tại nhà: Nếu phụ huynh đủ

Hai anh em Nhật Anh và Thái Anh (ảnh: Như Hùng)

Câu chuyện trên đang tạo nên hai làn sóng trong dư luận: Nên cho con tới trường hay giáo dục ở nhà cho con (Home-schooling)?

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng độc giả Vũ Thường, một giáo viên tại Hà Nội – người dành nhiều thời gian nghiên cứu mô hình home-schooling.

Độc giả Vũ Thường cho hay: “Việc học ở trường, nhất là với nền giáo dục ở Việt Nam thường mang tính đại trà, khó phát triển cá nhân.

Chẳng hạn, với những bạn có năng khiếu thể dục thể thao, việc "cày" tất cả các môn ở trường như các học sinh khác là lãng phí. Họ có con đường đi khác và còn phải dành thời gian cho việc luyện tập.

Home-schooling hay đi đến trường là một lựa chọn. Mỗi lựa chọn tôi tin rằng cần dựa trên đặc điểm rất riêng của gia đình, của trường học và đặc tính của trẻ để có thể đi đến quyết định đúng đắn chứ không có lựa chọn chung tốt cho tất cả mọi người.

Cho dù 100% các gia đình ở Việt Nam cho con em đi học ở trường thì lựa chọn đó cũng không phải là hiển nhiên tối ưu cho tất cả mọi trẻ em.

Cách đây chục năm, một người bạn của tôi cho con học ở nhà, đơn giản là vì khi đến trường cháu rất có ác cảm với trường học và cô giáo. Khi đó phản ứng của đại đa số mọi người là "không đồng tình". Ngay cả suy nghĩ của tôi cũng không mấy khác.

Nhưng rồi thời gian qua đi, cháu có một cuộc sống thú vị, rất hiểu biết và đặc biệt là phát triển được tài năng hội họa của mình. Cái nhìn của tôi qua đó cũng khác đi.

Quay trở lại chuyện home-schooling, điều duy nhất tôi quan tâm là: Con học ở nhà có bị hạn chế về mặt xã hội không?

Trong quan điểm của tôi, đa phần trẻ có đi học ở trường Việt Nam (hiện nay) cũng không có nhiều lợi thế hơn về mặt xã hội. Vì sao? Có 3 khía cạnh xã hội chính đối với sự phát triển của một đứa trẻ:

Một là vấn đề hợp tác, làm việc nhóm, tôn trọng, chấp nhận quan điểm/cách làm khác mình và thuyết trình giữa đám đông. Ở trường công tại Việt Nam hoàn toàn không giúp trẻ phát triển điều này.

Hai là kết bạn và bài học về việc xử lý các vấn đề phát sinh từ quan hệ bạn bè. Rõ ràng học ở trường bình thường trẻ thường có nhiều bạn hơn và hiểu về các loại người/gia cảnh trong xã hội hơn.

Tuy nhiên nếu gia đình chú trọng phát triển tình bạn cho trẻ, để trẻ có điều kiện tiếp xúc với các bạn khác nhau ở các lớp ngoại khóa, các CLB thì tôi nghĩ cũng có thể cân bằng được.

Đặc biệt là khi chúng ta để ý đến thời lượng phân bổ ở trường Việt Nam hiện nay, khi mà thời gian chơi quá ít thì quan hệ bạn bè tích cực cũng không có điều kiện phát triển, trong khi các hiện tượng bắt nạn, bạo lực lại rất phổ biến.

Ba là học cách hành xử với "cấp trên" và xử lý các vấn đề tiêu cực phát sinh từ quan hệ với thầy cô giáo và các "đối tượng có quyền lực" khác như sao đỏ, lớp trưởng, bí thư…thì hệ thống trường công mang nặng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Mặc dù có quan điểm cho rằng phải hiểu biết các mặt tiêu cực để có thể ứng phó được trong đời, nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết có nên để trẻ thơ phải tiếp xúc với nhiều tiêu cực như thế để "cứng cáp" hơn không?

Có lẽ, chỉ có chúng ta ngày nay mới ngạc nhiên thắc mắc với việc dạy con tại nhà. Trước thế kỷ 20, điều này là phổ biến và đối với hàng triệu gia đình tại Mỹ, Úc và ngày nay cũng vậy.

Học ở nhà đúng là không đơn giản. Nếu không có chương trình, không có khả năng sư phạm, không có quyết tâm và thời gian thì dễ "lợn lành thành lợn què”.

Vì thế, nếu muốn cho con home-schooling gia đình phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Anh Phan Chí Dũng – Trung tâm luyện thi Chí Dũng (Hà Nội) cho hay: “Tôi nghĩ nếu phụ huynh đủ "chất" thì có thể dạy kiểu home-schooling. Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề học ở nhà hay ở trường mà là học trong môi trường có tính chất giáo dục cần thiết cho trẻ là rất quan trọng.

Nếu ở trường không đáp ứng được thì nên xem xét đến việc cho ở nhà hay ở 1 nơi nào tốt hơn.

Một số bạn bè tôi, nhiều người đã chọn phương án cho con nghỉ trường công, đi học bổ túc (cho nhẹ) để thời gian học cái khác cần thiết hơn. Đây cũng là một cách hay.

Bản thân tôi đi dạy nên biết rõ khiếm khuyết của hệ thống giáo dục và thấy xót xa khi 1 đứa trẻ mất 12 năm cuộc đời cho những thứ không cần thiết. Ai trả lại cho chúng 12 năm đó! Vì vậy mà bố mẹ nên thức tỉnh để suy nghĩ!"

Theo infonet