Chưa tăng giá dịch vụ y tế với người chưa có thẻ BHYT

Hiện nay, việc tăng giá các dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có tham gia BHYT, còn các bệnh nhân chưa có BHYT thì vẫn áp dụng mức giá như cũ - ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) chia sẻ.

Người dân xếp hàng chờ thanh toán bảo hiểm y tế tại bệnh viện

Trước việc tăng giá các dịch vụ y tế đối với người bệnh tại các bệnh viện bắt đầu từ ngày 1.3.2016, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, các dịch vụ y tế tăng tạm thời chưa áp dụng đối với những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo quan sát của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, tại các bệnh viện lớn Hà Nội như: Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Xanh-pôn, Nội tiết Trung ương... khi được phóng viên hỏi về vấn đề tăng viện phí cũng như các dịch vụ khác tại các bệnh viện, đa số người dân đều đã biết thông tin này trước đó vài tháng và họ không quá bất ngờ cũng như không có ý kiến phản đối. 

Chia sẻ với phóng viên - anh Hoàng Lực (Cầu Giấy, Hà Nội) đang chờ khám tại bệnh tại bệnh viện Việt Đức cho biết: Hằng tháng anh vào viện để lấy thuốc vì anh vừa ghép thận, với số tiền thuốc hàng tháng lên tới chục triệu đồng, các thuốc đặc trị thì việc duy trì tiền thuốc khá khó khăn. Việc tăng giá dịch vụ y tế để bù vào chất lượng sẽ khiến người bệnh an tâm hơn mỗi khi khám hay chữa bệnh thông qua BHYT. 

"Tôi cho rằng việc tăng BHYT là cần thiết, lúc đó bệnh nhân cũng được quan tâm và chăm sóc tốt hơn, có điều kiện lựa chọn những giá dịch vụ phù hợp với nhu cầu cũng như kinh tế của gia đình" - anh Lực nhấn mạnh.

Cũng như anh Lực, chị Mai Nhi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Con trai chị đang mổ ruột thừa tại bệnh viện Nhi Trung ương, với việc tăng viện phí gia đình chị không lo lắng cho lắm bởi cháu đã có BHYT tại trường và được thanh toán 90% tiền viện phí cũng như thuốc thang và giường nằm của bệnh nhân. 

"Tôi cho rằng việc tăng BHYT cũng là việc nên làm để khuyến khích người dân cùng tham gia BHYT - qua các hạng mục tôi được biết đa số các dịch vụ y tế tăng đều phục vụ vào việc phục vụ người bệnh như: dịch truyền, giường bệnh và thuốc thang... Nhất là khi chữa các bệnh đặc biệt, bệnh nặng thì việc tăng viện phí là cần thiết cũng như việc mua BHYT là tối thiểu nhất đối với người dân".

Qua ghi nhận thực tế tại các bệnh viện, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nam Liên cho hay: Giá dịch vụ tế sẽ được tăng theo lộ trình gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1.3 và mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện từ ngày 1.7. Theo lộ trình này, về cơ bản chỉ đang áp dụng cho các bệnh nhân đã có thẻ BHYT, còn đối với các bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì chưa bị ảnh hưởng về việc tăng viện phí này.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ áp dụng đối với người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh chiếm tới 76-77% trong đó có khoảng 23,7 triệu người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách, xã hội có thẻ BHYT cũng không bị ảnh hưởng vì đây là nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí, khi khám chữa bệnh được thanh toán 100%. Số còn lại chỉ khoảng 5% nên sự tác động do tăng BHYT không nhiều.

"Nhưng không phải vì thế mà người dân lơ là việc mua BHYT, trong tương lai Bộ Y tế sẽ xem xét trình Thủ tướng dể áp dụng mức giá mới đối với người khồn tham gia BHYT, do đó Bộ Y tế khuyến khích người dân sớm tham gia BHYT toàn dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội" - ông Nguyễn Nam Liên khẳng định.

Theo Minh Khuê ( MTG )