Chuyên gia nói gì về việc người dân ồ ạt về quê tránh dịch Covid-19?

Theo chuyên gia y tế, việc ồ ạt về quê khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến dịch bệnh lây lan.​

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1063/CĐ-TTg tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31-7 cho đến khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Lãnh đạo tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự ý di chuyển khỏi địa phương.

Trước đó, trong những ngày qua, nhiều người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… ồ ạt về quê để tránh dịch Covid-19 , mặc dù các địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội.

Cảnh báo những nguy cơ từ thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. "Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng"- PGS Phu khuyến cáo.

chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-nguoi-dan-o-at-ve-que-tranh-dich-covid-19

PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân nên không nên ồ ạt về quê tránh dịch Covid-19 - Ảnh: Đình Nam

Theo PGS Trần Đắc Phu, lực lượng chức năng đã phát hiện một số ca dương tính SARS-CoV-2 trong số những người di chuyển về quê "tránh dịch". Trong số đó, có những người đã mắc Covid-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau. Tình trạng này tiếp diễn sẽ tạo sự lây lan giữa những người cùng đi với nhau và lây lan dịch ra nhiều tỉnh, thành phố. Hoặc chính chúng ta đã bị nhiễm SARS-CoV-2 lây lan cho người khác và khi về quê lại làm lây lan cho người trong gia đình, cộng đồng.

Vì vậy, PGS Phu khuyến cáo người dân không nên tự ý về quê, vừa vi phạm quy định giãn cách vừa gây khó khăn và nguy hiểm cho việc phòng chống dịch bệnh của bản thân và cộng đồng. "Nếu đã ở đâu thì nên ở yên đó".

PGS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo trong lúc này người dân thực hiện tốt 5K. Nếu nhà ở có khó khăn trong không gian sống, nên tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác".

chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-nguoi-dan-o-at-ve-que-tranh-dich-covid-19

Những ngày qua nhiều người dân ở các tỉnh có dịch đã ồ ạt về quê tránh dịch Covid-19 - Ảnh:CSGT

Nói về việc số lượng lớn lao động ở lại TP HCM, Bình Dương... sẽ gây áp lực cho địa phương, PGS Phu cho rằng hoàn cảnh hiện tại bắt buộc phải cân đối giữa vấn đề trên và mục đích phòng bệnh chung cho cả cộng đồng. Theo ông, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã cân nhắc giữa việc cho người dân về quê và không cho về. Sau khi phân tích, tính toán, cân nhắc thì thấy việc người dân ở lại địa bàn cư trú, không tự do di chuyển sẽ tốt hơn cho nhiệm vụ phòng chống dịch.

Thời gian này cũng phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Việc giãn cách kéo dài khiến người dân gặp khó khăn, vì vậy Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang giãn cách phải tổ chức hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ.

Tuy nhiên, với những người dân đã rời khỏi địa bàn, công điện Thủ tướng nêu rõ các địa phương liên quan phải lo cho người dân về quê. Chẳng hạn, người dân từ TP HCM về nếu đi qua Tiền Giang đến Cà Mau, các địa phương này phải hỗ trợ người dân di chuyển về tới đích, không đưa ngược trở lại TP HCM.

Theo Người lao động