Chuyện về đệ nhất phu nhân đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ

Trong lịch sử nước Mỹ, cho tới nay, Frances Creveland vẫn là đệ nhất phu nhân trẻ nhất. Chồng bà là Grover Cleveland, vị Tổng thống thứ 22 và 24 của nước Mỹ.

Frances Clara Folsom sinh ngày 21/7/1864 tại Buffalo, New York. Cha bà, Oscar Folsom, là một luật sư ăn nên làm ra, hậu duệ của những người Anh đầu tiên vượt biển sang định cư ở lục địa Bắc Mỹ. Những cư dân dũng cảm này đã cập bờ bến mới từ nửa đầu của thế kỷ XVII, định cư ở khu vực mà về sau đã trở thành các bang Massachusetts, Rhode Island, New Hampshire và khu vực phía tây New York...

'Chuyện về đệ nhất phu nhân đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ
Frances Cleveland.

Do cô em gái đã qua đời ngay từ khi mới sinh ra được một ngày nên Frances đã là người thừa kế duy nhất của gia đình. Một điều thú vị là thoạt tiên, nữ đệ nhất phu nhân tương lai được gọi bằng cái tên đàn ông là Frank để kỷ niệm về ông chú ruột nhưng rồi gia đình đã quyết định chuyển cái tên đó thành tên bé gái là Frances.

Người chồng tương lai của Frances, luật sư Grover Cleveland, từng là người bạn thân thiết của cha bà. Ông sinh ngày 18/3/1837, theo dòng Giáo hội Trưởng nhiệm. Chính Grover Cleveland đã chứng kiến phút cô bé Frances chào đời. Và với tư cách một ông chú tốt bụng, Grover Cleveland đã chăm sóc, chiều chuộng người vợ tương lai “từ thuở trong nôi”...

 Khi cha của Frances bất ngờ qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1875 mà không kịp để lại di chúc, Grover Cleveland đã nhận về mình trách nhiệm quan tâm, lo lắng cho cô bé mồ côi 11 tuổi... Sau khi bà vợ của Oscar Folsom đi bước nữa, tòa án khi đó đã quyết định để ông Grover Cleveland làm người quản lý gia sản mà người quá cố để lại cho tới khi cô con gái Frances đến tuổi trưởng thành...

Lửa gần rơm, quan hệ giữa ông chú đỡ đầu và cô cháu gái xinh đẹp dần dà đã chuyển sang những gam màu ngày một lãng mạn hơn, mặc dù khoảng cách tuổi tác của họ là gần 30 năm. Khi Frances vào học ở Trường Wells College, vị tổng thống tương lai đã không giấu nổi lòng mình và thầm lặng bày tỏ tình cảm với cô cháu mà ông đỡ đầu.

Tới tháng 8/1885 (ở thời điểm này, Grover Cleveland đã làm chủ Nhà Trắng được gần nửa năm), Frances trong khi đang đi du lịch châu Âu cùng mẹ, đã chính thức nhận được lá thư cầu hôn từ đương kim Tổng thống. Trở về Mỹ, Frances đã đồng ý trở thành vợ Tổng thống.

Hai người đã công khai về tình yêu của mình trước khi tổ chức đám cưới 5 ngày tại Phòng Xanh của Nhà Trắng. Đây là đám cưới duy nhất diễn ra trong Nhà Trắng. Trước đó, vị Tổng thống thứ 10 của nước Mỹ, John Tyler, đã tục huyền nhưng đám cưới của ông đã được tổ chức ở New York. Vợ của Tổng thống Tyler kém ông 30 tuổi...

Đám cưới của Tổng thống Grover Cleveland đã được tổ chức một cách khiêm nhường nhưng vô cùng trang trọng vào ngày 2/6/1886. Khi ấy, cô dâu 21 tuổi, còn chú rể đã 49 tuổi nhưng mới chỉ cưới vợ lần đầu (trước đó, ông chủ trương kiên trì sống trong cảnh độc thân)... Khách mời chỉ có những người họ hàng gần gụi, bạn thân thiết và các thành viên nội các cùng vợ của họ. Không một phóng viên nào lọt được vào nơi diễn ra lễ cưới.

Đích thân Tổng thống Grover Cleveland, vốn bản tính không mấy khi tin tưởng giao cho người khác làm những việc mà ông cho là quan trọng, đã tự mình lên danh sách khách mời. Và ông cũng đã giới hạn tổng số khách dự cưới là 40 người.

Ông cũng đích thân chỉ đạo việc chọn đồ trang trí Phòng Xanh và điều hành nghi lễ cưới. Cha cố chủ trì đám cưới là một người anh em của chú rể. Lời thề truyền thống “kính trọng, yêu thương và hỗ trợ” được đổi thành “kính trọng, yêu thương và tuân phục”...

Chú rể không muốn cô dâu cầm hoa mà cho rằng, kim cương và đá sapphire sẽ thích hợp với đệ nhất phu nhân tương lai hơn. Cô dâu mặc bộ đồ satanh màu ngà voi lộng lẫy... Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi trong đám cưới là “ông vua hành khúc”, nhạc trưởng lừng danh John Philip Sousa, tác giả của bản hành khúc nổi tiếng The Stars and Stripes Forever, về sau trở thành hành khúc quốc gia của nước Mỹ. Sousa đã chỉ huy đầy hứng khởi dàn nhạc giao hưởng thủy quân với số lượng nghệ sĩ đông không kém gì số khách mời dự đám cưới... Đám cưới đã kết thúc vào đúng bảy giờ tối...

'Chuyện về đệ nhất phu nhân đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ
Cô gái tuổi đôi mươi phải lòng người chú đỡ đầu, lại chính là Tổng thống, của mình.

Tuần trăng mật kéo dài năm ngày của cặp vợ chồng nguyên thủ quốc gia đã trôi qua ở vùng núi tại miền Tây bang Maryland.

Trở về thủ đô Washington sau tuần trăng mật, Frances Cleveland đã nhận bàn giao vai trò đệ nhất phu nhân từ người em gái ruột của chồng (vì ông Grover Cleveland khi nhậm chức Tổng thống là người độc thân nên em gái ông đã phải đứng ra đảm trách việc “nội trợ” trong Nhà Trắng). Và từ đó, bà mới thấu hiểu thế nào là mối quan tâm sít sao của giới truyền thông đối với cuộc sống riêng tư của nguyên thủ quốc gia. Nhất cử nhất động của gia đình Tổng thống đều được các phóng viên quan tâm và truyền tin.

Thái độ thân thiện và sự quyến rũ đầy nữ tính của đệ nhất phu nhân đã giúp Frances Cleveland thu nhận được một tình yêu chân thành từ phía xã hội và nhờ thế, cũng giúp củng cố thêm tầm ảnh hưởng của Tổng thống. Frences Cleveland đã hỗ trợ cho nhiều chương trình xã hội liên quan tới phụ nữ, thí dụ như xây dựng nhà ở cho những thiếu nữ da màu cô đơn ở Washington hay thành lập phong trào hy vọng Thiên chúa giáo dành cho phụ nữ...

Nhiều công ty ở Mỹ đã rất tha thiết nhờ đệ nhất phu nhân đứng ra bảo lãnh cho chất lượng hàng hóa của họ. Mỗi tuần đệ nhất phu nhân tổ chức hai buổi tiếp dân, chủ yếu dành cho phụ nữ, ở trong Nhà Trắng để lắng nghe những nguyện vọng và yêu cầu từ họ... Số lượng những công dân hâm mộ đệ nhất phu nhân đông tới mức lắm lúc Tổng thống Grover Cleveland phải công khai bày tỏ sự lo lắng cho sự an toàn của vợ.

Năm 1887, Frances Cleveland đã đích thân tháp tùng chồng đi kinh lý xuống các bang  miền Nam và miền Tây nước Mỹ. Hoạt động này càng làm cho dân chúng thêm phần mến mộ đệ nhất phu nhân... Nhiều phụ nữ Mỹ thời đó coi các kiểu y phục của Frances Cleveland là mốt thời trang cần phải học theo.

'Chuyện về đệ nhất phu nhân đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ
Frances Folsom kết hôn với Tổng thống Grover Cleveland ngày 2/6/1886.

Tuy nhiên, mối cảm tình dành cho đệ nhất phu nhân rốt cuộc cũng không giúp được cho chồng bà tái đắc cử vì phe đối lập đã tìm ra được những điểm yếu trong tiểu sử của ông để hạ uy tín. Và khi Grover Cleveland thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo vì dù giành được đa số phiếu của cử tri nhưng lại bị thất thế trong con mắt của đại cử tri đoàn, Frances cùng chồng đã chuyển về ở New York  với lời hứa là sẽ quay trở lại Nhà Trắng sau bốn năm nữa.

Và điều đó đã trở thành sự thật. Và Frances Cleveland đã trở thành đệ nhất phu nhân duy nhất ở Mỹ được làm chủ Nhà Trắng hai lần nhưng lại không phải trong những khoảng thời gian liên tục.

Bất chấp mọi đồn đại ác ý về chuyện chồng già vợ trẻ, ông bà Grover và Frances Cleveland đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Họ đã chung thủy với nhau, lo lắng, đỡ đần nhau. Hai người có 5 người con, ba gái, hai trai. Trừ người con gái cả Ruth đã mất sớm năm 1904 vì bệnh máu trắng, bốn người con còn lại đều được thừa hưởng gen di truyền tốt đẹp từ người mẹ và đều sống rất thọ.

Rời khỏi Nhà Trắng, ông Grover Cleveland vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội với tư cách một diễn giả. Ông cũng nhận bảo trợ cho trường đại học tổng hợp ở địa phương. Tháng 6/1908, ông qua đời vì bệnh ung thư. Grover Cleveland được đánh giá là một chính trị gia rất trung thực và có tài tổ chức.

Người vợ góa Frances Cleveland ở tuổi 44 đã chuyển về sống tại Princeton, bang New Jersey. Khi ấy, người con trai út, mới vừa tròn 5 tuổi. Về sau, người con trai út này đã trở thành nghệ sĩ, từng tốt nghiệp Trường Đại học Harvard về sân khấu.

Tháng 2/1913, ở tuổi 49, Frances Cleveland đã tái giá với Giáo sư khảo cổ học của Trường Đại học Tổng hợp Princeton, Thomas J. Preston (con). Và bà cũng trở thành cựu đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ hai lần lên xe hoa. Đây không phải là một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu lớn nhưng cũng đã rất yên lành và tốt đẹp.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ mùa hè năm 1914, Frances cùng các con đang ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, bà cũng đã khéo léo tìm được đường trở về nhà an toàn trong vòng hai tháng.

Khi xảy ra cuộc đại suy thoái vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Frances Cleveland đã tích cực tham gia  vào các hoạt động từ thiện. Bà đã gia nhập Hiệp hội Thủ công Mỹ và tự tay may quần áo cho những người bần hàn.

Ngày 29/10/1947, Frances Cleveland đã qua đời ở tuổi 83 tại Baltimore. Bà đã được mai táng tại Priceton, trong nghĩa trang, cạnh mộ của người chồng đầu tiên, cố Tổng thống Grover Cleveland.

Theo Minh Châu (Phunuonline)