Có không chuyện học phí đại học 50 triệu đồng/năm?

Thông tin Bộ GD&ĐT đang dự thảo mức học phí mới tăng gấp 3-5 lần hiện nay khiến không ít phụ huynh, học sinh “choáng váng”. Thậm chí, một số ngành đào tạo có mức học phí lên tới 50 triệu đồng/năm đặt ra mối lo học sinh, sinh viên “đứt gánh” giấc mơ đại học. Bộ GD&ĐT nói gì?

Có không chuyện học phí đại học 50 triệu đồng/năm?

Thông tin học phí mới áp dụng trong thời gian tới khiến nhiều phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa: Q.Anh

Học phí cao theo… tự chủ?

Mấy ngày qua, thông tin dự kiến tăng học phí đại học lên đến 50 triệu đồng/năm học đã trở thành tâm điểm thu hút của dư luận, thậm chí trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Cụ thể, một số báo đã thông tin Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập (trừ các trường đại học xuất sắc và hệ thống trường chính trị).

Dự kiến, mức học phí sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng loại hình tự chủ tài chính. Trong đó, loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường có quyền quyết định mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Theo dự thảo, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập, các trường công lập được phê duyệt đề án tự chủ, thì mức học phí đại học cũng sẽ tăng lên. Trường đại học đã tự chủ tài chính người học sẽ phải đóng học phí cao gấp 2 đến 3,5 lần so với hiện nay (ước từ 980.000-1,43 triệu đồng/tháng).

Còn so với học phí trường đại học công lập chưa tự chủ hiện nay 7,4-10,7 triệu đồng/năm học 2017-2018 thì mức học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần. Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí năm học 2020-2021 sẽ là 2,05-5,05 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Thời gian qua dù tăng theo “lộ trình”, song như Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ huynh, sinh viên không khỏi “choáng” trước mức học phí từ năm 2018. Học phí từ tháng 9 -12/2017 là 1,07 triệu đồng/tháng (hộ khẩu tại TP.HCM) và không có hộ khẩu tại TP.HCM là 2,2 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 1/2018 trở đi sẽ được tính theo nhóm trường tự chủ tài chính toàn phần. Theo đó, học phí cao nhất là 4 ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược sĩ ĐH, cử nhân khúc xạ với 4,4 triệu đồng/tháng... Như vậy, mỗi sinh viên sẽ đóng từ 25-44 triệu đồng/năm học. So với mức học phí đang được TP.HCM cấp bù kinh phí đào tạo hiện nay, mức này tăng lên tới 2,7 đến 4,8 lần tùy ngành.

Trước đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) thông báo tăng học phí cho năm học 2016-2017 khiến nhiều sinh viên bất ngờ. Cụ thể, từ năm học 2016 - 2017, học phí các ngành của sinh viên trường này sẽ tăng gần 30% so với năm học trước. Học phí cao nhất là của K57 (sinh viên năm thứ 2) và K58 (khóa sẽ tuyển sinh năm 2016).

Các ngành: Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế Quốc tế, Tài chính doanh nghiệp có mức học phí lên 530.000 đồng/tín chỉ, tăng 115.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Các ngành khác cũng tăng từ 70.000 đồng đến 95.000 đồng/tín chỉ, học phí cao nhất sẽ là 17 triệu đồng/năm.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, việc tự chủ tài chính đối với các trường đại học là tất yếu. Các trường được tự chủ không chỉ có tăng học phí, mà còn tự chủ về bộ máy, chất lượng đào tạo… Để nâng cao chất lượng, trường phải có tiền để đầu tư, nên tăng học phí là tất yếu, nếu không nhà trường không có kinh phí để đầu tư cho chất lượng giáo dục, trang thiết bị, trả lương cho giảng viên...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng học phí chắc chắn sẽ là một gánh nặng với sinh viên nghèo và cần tính toán một cách hợp lý theo mức thu nhập thực tế của người dân.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT):

“Xét trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, có nhiều thứ chưa tương xứng trong đầu tư, thu nhập của giảng viên. Tuy nhiên, chuyện học phí tăng nhanh, tăng cao dẫn đến sinh viên lo lắng. Khi tăng học phí, cũng cần nghĩ tới những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mất cơ hội được học chỉ vì học phí cao.

Vì vậy, Nhà nước đã đưa ra khung, mức trần, mức sàn để quản lý chứ không phải để các trường áp dụng tăng “kịch trần”. Tăng học phí cần tính toán kỹ, dựa trên mặt bằng thu nhập xã hội và có lộ trình dần dần để người học chuẩn bị”.

Sau khi thông tin dự kiến mức học phí đại học công lập có thể lên tới 50 triệu đồng/năm, Bộ GD&ĐT cũng đã chính thức “trần tình” về học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020 - 2021.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong dự thảo mới nhất của Bộ GD&ĐT không có nội dung về khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập như một số báo đã đưa tin trong những ngày qua. Hiện dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.

Cũng theo ông Trần Tú Khánh, việc một số báo đưa tin về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 chỉ là căn cứ vào dự thảo lần 1 do Bộ GD&ĐT trình Chính phủ từ ngày 08/9/2016.

Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngày 08/6/2017, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định lần 2. Hiện dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền. Thông tin mức học phí mà các báo đề cập nằm trong nội dung dự thảo lần 1. Sau khi Chính phủ ban hành, Bộ sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí.

Theo GiaDinh