Coi chừng ngộ độc kháng histamin ở trẻ em

Thuốc kháng histamin bán khá rộng rãi. Không có tổng kết chung toàn quốc nhưng một số bệnh viện cho biết ngộ độc kháng histamin đứng vào hàng thứ hai, thứ ba trong ngộ độc thuốc ở trẻ em.

Ngộ độc cấp tính

Đối tượng hay bị ngộ độc: trẻ dưới 1 tuổi trong đó trẻ dưới 6 tháng chiếm khoảng 57%.

Thuốc hay gây ngộ độc cấp: kháng histamin thế hệ cũ bao gồm chlopheniramin (phenergan), promatazin, diphenylhydramin (pheramin), dexchlopheniramin (polaramin). Ít gặp hơn ở các kháng histamin thế hệ mới như: citerizin, loratadin.

Biểu hiện ngộ độc cấp: ở liều dùng thông thường kháng histamin hủy bỏ các triệu chứng do histamin gây ra (kháng choloinergic), ức chế thần kinh trung ương (gây ngủ gà). Ở trẻ em nhỏ tuổi, hàng rào mạch máu - não chưa hoàn chỉnh nên kháng histamin thấm được vào não gây kích thich thần kinh trung ương. Vì vậy, ngộ độc kháng histamin ở những trẻ này có những triệu chứng nổi trội về thần kinh. Những triệu chứng thường gặp: ưỡn người, gồng người, co giật, vẹo cổ, mắt trợn, có cơn xoáy mắt bất thường, đồng tử giãn, run, kích thích, sốt cao. Một số triệu chứng này dễ nhầm lẫn với viêm màng não. Tùy theo liều dùng mà trẻ có thể bị ngộ độc từ 30 phút đến 6 giờ sau khi dùng.

coi-chung-ngo-doc-khang-histamin-o-tre-em

Không tự ý dùng thuốc kháng histamin cho trẻ dưới 2 tuổi đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi

Những trường hợp hay gặp trong ngộ độc cấp:

Do dùng thuốc chữa nghẹt mũi (như thuốc viên hay siropolaramin) quá liều.

Dùng nhầm thuốc cảm cúm của người lớn cho trẻ em: những biệt dược chứa kháng histamin chlopheniramin như: decolgen (hay tương tự: capatusin, dantusin) theo quy định cho dùng cho người lớn và trẻ trên 13 tuổi. Một số bà mẹ không biết  đem dùng cho trẻ em. Thêm vào đó, trong các biệt dược này còn có các thành phần độc hại khác như: phenylpropanolamin (gây xuất huyết não) làm thêm trầm trọng thêm sự ngộ độc.

Dùng không đúng và tăng liều thuốc ho: FDA (2005) và Bộ Y tế nước ta quy định không dùng cho  trẻ dưới 2 tuổi các biệt dược của dẫn chất phenothiazin như: phenergan (promazin) theralen (alimemazin) vì chúng gây ngừng thở lúc ngủ. Tuy nhiên các biệt dược này trước  đây có hướng dẫn liều dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi nên có người vẫn nhớ thông tin này và dùng mà không đọc kỹ các thông tin mới. Theo quy định trẻ trên 2 tuổi có thể dùng các biệt dược này với liều thấp nhất có hiệu lực. Có người muốn trẻ ngủ tốt đã không chú ý đến quy định này, vẫn cho dùng liều cao.

Ngộ độc trường diễn

Biểu hiện ngộ độc trường diễn: xảy ra khi dùng kéo dài kháng histamin cho trẻ. Các kháng histamin có cả tác dụng kích thích và ức chế thần kinh trung ương. Biểu hiện thường thấy là gây bồn chồn, khó ngủ, kinh giật, mơ màng, giảm sự tỉnh táo, chậm phản ứng, chán ăn. Một vài nghiên cứu mới đây còn cho biết thuốc có thể làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ.

coi-chung-ngo-doc-khang-histamin-o-tre-em

Các kháng thuốc histamin chỉ chống lại các biểu hiện dị ứng chứ không chữa dược căn nguyên dị ứng

Những trường hợp hay gặp trong ngộ độc trường diễn:

Bộ Y tế đã cấm dùng cyproheptamin làm thuốc làm mập, thuốc chữa chán ăn và chữa hen. Tuy nhiên, có một số người vẫn trộn chất này vào thảo dược để chế ra các loại thuốc tự gọi là gia truyền nhưng thực chất là thuốc “dỏm”. Một số người dùng thuốc này ban đầu thấy ngủ được ăn ngon ăn ngon ăn ngon béo ra nhưng về sau lại có hại.

Dùng kéo dài một số thuốc chữa bệnh có chứa kháng histamin: tại một số cửa khẩu vẫn có hàng xách tay chứa chlorocid và chlopheniramin (Thái Lan). Trước đây biệt dược này được giới thiệu là chữa ho gà. Thực chất, chúng chẳng chữa khỏi ho gà nhưng vì có chlopheniramin nên làm cho trẻ dể ngủ yên, sau này có người khi thấy trẻ ho kéo dài thì mua thuốc này dùng và bị ngộ độc trường diễn chlopheniramin.

Ngộ độc thuốc hướng thần có cấu trúc kháng histamin: thuộc loại này có chlopromazin (aminazin). Đây là dạng thuốc hướng thần dùng cho người tâm thần phân liệt dưới dạng viên bao bọc đường. Do người dùng thuốc người nhà bảo quản sơ hở nên có trẻ lấy ăn nhiều (vì thấy ngọt), bị ngộ độc rất nặng (hạ huyết áp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong).

Cách phòng ngừa

Không tự ý dùng thuốc kháng histamin cho trẻ dưới 2 tuổi đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Nếu không thật cần thiết thì không dùng. Nếu có thể thì thay bằng một loại khác. Thí dụ: trẻ ngạt mũi có thể dùng thuốc nhỏ mũi natrichlorid 0,9%, thuốc này sẽ làm co niêm mạc mũi, đỡ ngạt mà không độc.

Tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, dùng liều thấp nhất có hiệu lực với trẻ trên 2 tuổi các kháng histamin thuộc dẫn chất phenothiazin (promethazin alimemazin).

Các kháng histamin chỉ chống lại các biểu hiện dị ứng chứ không chữa dược căn nguyên dị ứng. Cần tìm căn nguyên gây dị ứng (dị nguyên) để tránh dị ứng không nên dùng thuốc kháng histamin kéo dài.

Bảo quản chặt chẽ thuốc hướng thần, không để trong tầm tay trẻ em (tốt nhất người nhà giữ thuốc, chỉ giao cho người bệnh đủ liều uống một lần).

Theo DS.CKII. BÙI VĂN UY (SKĐS)