Coi chừng ngộ độc thực phẩm vì thói quen tích trữ thức ăn thừa ngày Tết



Tích trữ thực phẩm đã nấu chín vào những ngày Tết là việc làm nguy hiểm hơn nhiều so với nhiều người vẫn nghĩ. Việc hâm nóng lại thức ăn đã nấu chín để trong tủ lạnh có nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm cho người dùng.

Theo phong tục vào mỗi dịp Tết đến xuân về, việc chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng gia tiên là không thể thiếu đối với mỗi gia đình.

Điều này dẫn đến hệ quả là mỗi gia đình sẽ đều phải tích trữ rất nhiều thức ăn thừa sau mỗi ngày trong tủ lạnh. Việc làm tưởng như bình thường này thực chất lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại cho sức khoẻ người sử dụng.

Thức ăn đã nấu chín để trong tủ lạnh có nguy cơ gây ngộ độc

Tủ lạnh từ lâu đã trở thành một đồ vật không thể thiếu đối với mỗi gia đình, là “trợ thủ” đắc lực giúp các bà nội trợ trong việc dự trữ thực phẩm, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian. 

Chính vì tính “đa năng” của tủ lạnh, nhiều bà nội trợ đã có thói quen chuẩn bị rất nhiều thức ăn nấu chín sẵn để vào tủ lạnh ăn dần.

Hầu hết khi làm vậy mọi người đều nghĩ rằng khi để thức ăn chín vào tủ lạnh, nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ làm vi khuẩn không thể sống được.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, để thức ăn thừa trong tủ lạnh và hâm nóng lên ăn tiếp sẽ có thể gây nhiều nguy hại cho sức khoẻ người dùng.

Tiến sĩ Lâm Văn Mân, trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm cho biết: “Việc cất thức ăn thừa vào tủ lạnh để hôm sau hâm nóng lại và ăn là không nên. Bởi trong thực phẩm thừa có nhiều vi sinh vật gây hại.

Khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, những vi sinh vật đó chỉ ngừng hoạt động. Vì vậy, lấy thức ăn ra hâm nóng lại cũng không thể diệt hết các vi khuẩn này và người ăn dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao”.

Coi chừng ngộ độc thực phẩm vì thói quen tích trữ thức ăn thừa ngày Tết

 Việc hâm nóng lại thức ăn trong tủ lạnh không thể diệt hết các vi khuẩn và người ăn dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao

Những thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa.... sẽ rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập nếu không được bảo quản đúng cách.

Cùng với các yếu tố như nhiệt độ, không khí, nước, những loại thực phẩm này là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển và sinh sôi cực nhanh dưới trời nóng 30-40 độ C.

Thêm vào đó, một số loại thực phẩm còn có thể chứa các chất phụ gia có nguy cơ gây ngộ độc. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể lan từ thực phẩm sống sang thức ăn đã chế biến nếu được đặt cạnh nhau.

Trong quá trình sinh sôi vi khuẩn, sẽ tạo ra các độc tố trong thức ăn chế biến sẵn; những độc tố này không bị tiêu huỷ hay mất đi khi đun sôi.

Vì vậy, thức ăn chín đã hỏng nếu được hâm nóng, nấu sôi vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Thức ăn nấu chín để được bao lâu trong tủ lạnh?

Theo Cục An toàn thực phẩm và Kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp Mỹ, thức ăn nấu chín chỉ thực sự an toàn sau 2 giờ sau khi nấu và rất dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 30-40 độ C.

Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách sẽ đều tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành và phát triển.

Coi chừng ngộ độc thực phẩm vì thói quen tích trữ thức ăn thừa ngày Tết
Thức ăn nấu chín chỉ thực sự an toàn sau 2 giờ sau khi nấu và rất dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 30-40 độ C 

Ngoài ra, một số vi khuẩn chứa độc tố protein có hại mà không thể bị tiêu diệt bằng cách đun nóng. Nếu thức ăn đã để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2h, chúng không an toàn để đun lại và cần phải bỏ ngay.

Các thực phẩm dễ bị hư hỏng nhất là trứng bóc vỏ, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa đã được nấu chín. Ngay cả những thực phẩm đã tiệt trùng hoàn toàn và được đóng hộp kín cũng sẽ không còn vô trùng một khi đã được mở nắp.

Không khí xung quanh ta chứa vô vàn vi khuẩn và nấm mốc, chúng dễ dàng xâm nhập vào bất kỳ môi trường thích hợp nào mà chúng gặp và thực phẩm nấu chín là một trong những môi trường lý tưởng của vi khuẩn.

Những lưu ý khi bảo quản thực phẩm đã nấu chín

Việc phải tích trữ thức ăn đã nấu chín trong dịp Tết là điều không thể tránh khỏi, vì vậy các bà nội trợ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ an toàn sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

Dưới đây là những lưu ý khi bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh, giúp phần nào hạn chế sự xâm nhập, phát triển của vi khuẩn.

- Phải để thức ăn thật nguội mới cất vào tủ lạnh. Vì nếu thức ăn còn nóng mà cho ngay vào nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ bị ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.

Coi chừng ngộ độc thực phẩm vì thói quen tích trữ thức ăn thừa ngày Tết
Phải để thức ăn thật nguội mới cất vào tủ lạnh và nên chia thức ăn vào các hộp riêng, đóng kín hộp khi tích trữ.  

- Thức ăn trong tủ lạnh khi bỏ ra vẫn phải nấu chín lại, vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Nếu khi ăn bạn không đun nấu lại sẽ gây bệnh trướng bụng khó tiêu, đi ngoài.

- Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh không nên để quá lâu chỉ nên lưu cho bữa sau, như bữa sáng dùng cho bữa trưa, bữa trưa cho bữa tối, lâu nhất phải 5 – 6h. Vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC nhưng nếu để quá lâu các vi sinh khuẩn sẽ gây ra những độc tố.

- Không nên cất thức ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì khi xào nấu ở nhiệt độ cao có nêm muối, các vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát triển nhanh tạo thành chất gây ung thư.

Vì vậy, thường xuyên ăn rau thừa sẽ không tốt cho sức khoẻ cũng như người hay ăn các thực phẩm chế biến từ rau củ muối có khả năng bị ung thư dạ dày rất cao.

Theo vietq