"Cơn bão" chữa ung thư bằng "thần dược" đu đủ Mỹ: Chuyên gia nói gì?

Gần đây, thông tin nhiều bệnh nhân chữa lành bệnh ung thư gan, loại bỏ ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung, bằng cách sử dụng trái đu đủ Mỹ đang khiến dư luận “dậy sóng”. Sức mạnh chưa được kiểm chứng của loại trái cây xa lạ nhanh chóng được đồn thổi khiến vô số người dân tìm mua sử dụng. PV báo ĐS&PL đã tìm hiểu và có những thông tin thú vị.

Đổ xô săn lùng “thần dược” ngoại

Ông Đào Thanh Quý (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) vừa trở về sau chuyến du lịch tham quan lễ hội Pawpaw tại Mỹ. Ông cho biết, ông chọn tháng Chín đi Mỹ, tham quan lễ hội Pawpaw để tìm mua thần dược đặc trị ung thư.

“Tháng Chín, vùng Trung Tây nước Mỹ tổ chức lễ hội Pawpaw. Trong lễ hội này, tất cả mọi hoạt động từ thưởng thức, tìm hiểu, nghe nhạc,... đều liên quan đến trái pawpaw còn gọi là trái đu đủ.

Đây là một loại trái cây quý, có tác dụng chữa ung thư. Tôi trực tiếp chứng kiến bà bạn là cán bộ hưu trí sử dụng trái này trong một thời gian dài và đã khỏi hoàn toàn bệnh ung thư gan”, ông Quý kể.

“Cơn bão” chữa ung thư bằng

Trái pawpaw được ông Quý “xách tay” về từ Mỹ.

Mở nắp chiếc thùng xốp chứa đầy trái cây có hình dáng như trái xoài, ông Quý cho biết, đó chính là trái pawpaw, “thần dược” ông “xách tay” từ Mỹ về để điều trị bệnh ung thư vòm họng của mình.

Trong khi đó, chị Phùng Mỹ Trân (37 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) lại tìm mua loại trái này trên mạng xã hội. “Tôi đã đọc nhiều thông tin người bệnh ung thư sử dụng cây đu đủ để chữa bệnh.

Tôi cũng tìm hiểu kỹ về loại đu đủ Mỹ này. Đây là một loại thuốc hoàn toàn từ tự nhiên nên sẽ tốt hơn nhiều so với các phương pháp hóa trị, xạ trị”, chị Trân chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, loại trái cây này chưa phổ biến trên thị trường nội địa mà mới đang trồng thử nghiệm tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, nơi có cơ sở kinh doanh loại cây này.

Tuy nhiên, khi liên hệ, đại diện cơ sở này cho biết, hiện chỉ bán cây giống, chứ chưa thể cung cấp trái tươi. Người này cũng hướng dẫn nếu khách có nhu cầu mua trái pawpaw tươi phải đặt mua tại Mỹ.

Rất nhiều người đã tìm mua, đặt hàng loại trái cây này từ các trang mua bán nước ngoài. Bà Lưu Thị Bích Thủy (ngụ quận 2, TP.HCM) cũng quyết định xuất ngoại để tìm mua đu đủ Mỹ làm thuốc trị căn bệnh ung thư cổ tử cung.

“Trước đây, đã có người sử dụng lá đu đủ ta để uống, điều trị ung thư. Nay, có tin đu đủ Mỹ có thể chữa hết ung thư, chỉ cần kiên trì ăn trái này mà có thể hết bệnh thì không còn phương pháp nào tốt hơn. Do đó, đắt mấy tôi cũng mua”, bà Thủy cho biết.

Ngộ nhận tác dụng thần kỳ

Ngoài trái, các chế phẩm từ loại đu đủ này cũng thu hút người mua. Thực tế cho thấy, dù có giá trên 1 triệu đồng/hũ, chế phẩm Paw Paw Cell-Reg đang được nhiều bệnh nhân đổ xô, tìm kiếm sử dụng.

Theo ông Quý: “Đây chỉ là cách chữa bệnh theo kiểu truyền miệng, dân gian nên không có phác đồ cụ thể. Do đó, tôi cũng dùng đu đủ Mỹ như một loại thực phẩm chức năng. Mỗi ngày, tôi xay nhuyễn phần thịt của 1 trái pawpaw thành sinh tố để uống.

Tôi được người bán giới thiệu nên uống vào buổi sáng. Hiện, cũng chưa có bác sĩ nào hướng dẫn cách điều trị ung thư bằng trái pawpaw”.

Đồng cảnh ngộ, chị Trân cũng loay hoay trong việc sử dụng trái pawpaw để điều trị căn bệnh ung thư gan của mình. Chị cho biết, chị hoàn toàn tin tưởng việc loại trái này có tác dụng chữa bệnh nan y nhưng cũng không biết phải sử dụng thế nào cho hiệu quả.

Trong khi đó, các chuyên gia y học, bác sĩ lại tỏ ra lo ngại trước việc người bệnh đặt trọn niềm tin vào trái đu đủ Mỹ có thể làm mất cơ hội vàng trong điều trị ung thư. Các chuyên gia lo ngại, người bệnh sẽ nhầm lẫn, ngộ nhận giữa cây đu đủ và pawpaw.

TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên ban Chấp hành hội Nội tiết Việt Nam cho biết: “Cần phân biệt đu đủ pawpaw với cây đu đủ thông thường. Đu đủ ăn quả, thực phẩm, tiếng Anh là papaya, tiếng Pháp là papayer, tên khoa học là carica papaya L., thuộc họ Đu đủ (Papayaceae).

Cây này thân thảo, cũng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, đã được nhập trồng ở Việt Nam từ lâu đời. Đu đủ Mỹ, pawpaw là cây vùng ôn đới đông, bắc Mỹ, tên khoa học là Asimina triloba (L.) Dunal, thuộc họ Mãng cầu (na) (Annonaceae). Cây này thân mộc và trái không dùng làm thức ăn”.

Cũng theo BS Thoại, hiện nay, xuất hiện thông tin lá đu đủ có tác dụng chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên, thông tin này hoàn toàn không có cơ sở. “Chúng ta cần phải lưu ý rằng chỉ có đu đủ pawpaw mới có tác dụng chữa ung thư.

Bởi, các nhà khoa học phát hiện trong vỏ, thân, lá và hạt nhiều loại pawpaw có chứa các hợp chất aceto- genin có độc tính, có thể dùng để chữa nhiều bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, giun sán, sốt rét... và một số bệnh ung bướu như: Ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung, ung thư gan...

Ngoài ra, trong hạt đu đủ pawpaw còn chứa chất asimitrin và 4-hydroxytrilobin, độc với tế bào. Trong phần thịt của quả pawpaw rất giàu chất bột đường, acid béo, chủ yếu là chất octanoat...”, TS.BS Thoại cho biết thêm.

Tuy nhiên, phát biểu trên không có nghĩa là loại trái này có sức mạnh chữa khỏi hoàn toàn các bệnh ung thư và trở thành thần dược.

Bác sĩ Thoại nhấn mạnh: “Các chất acetogenin không hoàn toàn vô hại. Trong thực tế, không có thuốc tuyệt đối an toàn, không có tác hại, tác dụng không mong muốn.

Đặc biệt là các thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Các chất aceto- genin trong pawpaw cũng nên được lưu ý tương tự.

Trong vỏ, lá và hạt pawpaw, ngoài acetogenin còn chứa nhiều alka- loids, axit phenolic.... Do đó, khi dùng dịch chiết toàn phần có thể bị dị ứng và nhiễm các tác dụng độc của các hợp chất trên”.

Theo các bác sĩ, nếu sử dụng đu đủ pawpaw hay bất kỳ loài thảo dược khác nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia y tế.

Chỉ có tác dụng “chung chung”

Thông tin về chế phẩm Paw Paw Cell - Reg, chiết xuất từ đu đủ Mỹ, được cho là có tác dụng chữa ung thư, TS. BS Trần Bá Thoại nhận định: “Tây y có 4 phương pháp điều trị ung thư gồm: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và miễn dịch học.

Việc dùng chiết xuất từ pawpaw tức là áp dụng phương pháp “hóa trị liệu” với chất aceto- genin.

Theo tôi được biết, Paw Paw Cell - Reg là một dạng thực phẩm chức năng, có tác dụng chữa ung thư một cách “chung chung” và vẫn đang trong thời gian nghiên cứu”.

Hà Nguyễn

Theo doisongphapluat