Nước mắm chứa thạch tín: Bộ Y tế đang nợ người tiêu dùng câu trả lời

Kết quả khảo sát mắm tại 19 tỉnh, thành phố vừa được VINASTAS công bố khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang hơn. Người dân cần lắm câu trả lời từ Bộ Y tế thay vì phải mỏi mòn chờ!

Ngay sau khi bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát nước mắm thực hiện tại 19 tỉnh, thành phố, người dân lại thêm hoang mang không biết tin vào đâu. 67% nước mắm có hàm lượng thạch tín tuy nhiên theo cách lý giải vòng vo của VINASTAS thì nước mắn ở xứ ta vẫn an toàn?

Người tiêu dùng khấp khởi mừng vì VINASTAS đã rốt ráo vào cuộc làm rõ trắng đen liệu trên thị trường có tồn tại loại nước mắn được làm từ công thức “nước + hóa chất” gây nguy hại đến sức khỏe. Thế nhưng, đằng sau cuộc công bố công khai kia, dư luận lại đặt câu hỏi có hay không “cuộc chiến” giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống từ kết quả cuộc khảo sát này?

Nước mắm chứa thạch tín: Bộ Y tế đang nợ người tiêu dùng câu trả lời

Nhiều người dân đã bắt đầu ngừng ăn nước mắm vì đợi thêm thông tin, kết luận của các ban ngành. Ảnh minh họa.

Trước thông tin VINASTAS công bố, hơn 50% sản phẩm có độ đạm thấp hơn công bố và có tới gần 70% chứa arsen (thạch tín) vượt ngưỡng. Vậy nhưng, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã từ chối đưa ra lời bình luận về kết quả này. Vị này cho rằng, đó là kết quả thanh tra độc lập, là một kênh thông tin.

Ừ thì kết quả là độc lập nhưng với vai trò là đơn vị kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà vị đại diện Cục An toàn thực phẩm lại bàng quan như vậy. Xem ra, lỗi tại người tiêu dùng hay lo xa còn nhà quản lý thì tất cả phải đúng quy trình?!

Trước đây, nước mắm được phát hiện chủ yếu chứa chất phụ gia thực phẩm, nước mắn nguyên chất ít. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ nước mắm không an toàn.

Giờ đây, hàng loạt mẫu nước mắm được công bố có chứa thạch tín (Asen) nhưng các cơ quan chức năng lại trả lời theo kiểu “sọc dưa” thì người tiêu dùng biết phải làm sao? Chẳng lẽ họ ngửa cổ lên trời mà than: “Ôi thần linh ơi, cho con phép nhiệm màu”?

Khi thông tin nhiều loại mắm trên thị trường được sản xuất theo công thức “nước + hóa chất” được đang tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều người AQ nghĩ rằng, đó chỉ là nghi vấn, vừa ăn vừa chờ... công bố chính thức từ cơ quan chức năng.

Thế nhưng, khi VINASTAS công bố kết quả khảo sát, người dân lại được phen hoang mang cực độ. Nước mắm nhiễm thạch tín nhưng theo như đại diện của đơn vị này, “nước mắm vẫn ở ngưỡng an toàn”.

Lạ đời, có những thứ càng kết luận lại càng mơ hồ. Để bảo vệ gia đình mình trước khi chờ Bộ Y tế lên tiếng, người tiêu dùng không thể tiếp tục AQ, khuất mắt trông coi được nữa. Nhiều gia đình có phản ứng tiêu cực, chỉ dùng muối, gia vị và bắt đầu “quay lưng” dùng nước mắm, kể cả nước mắm truyền thống!

Trong khi người dân thì hoang mang cực độ, các cơ quan quản lý dường như vẫn “nửa nạc, nửa mỡ”. Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ 12/10, đoàn thanh tra liên ngành của 3 bộ đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)...

Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.

Kiểm tra là việc nên làm nhưng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu. Việc thanh kiểm tra phải cần làm rốt ráo chứ không thể bắt dân chờ… “từ từ khoai mới nhừ”! Dân cần lắm câu trả lời từ phía Bộ Y tế- nước mắm có thật sự an toàn?

VINASTAS công bố kết quả độc lập, người tiêu dùng tiếp nhận đó là một kênh thông tin. Thế nhưng, nhiều người đặt dấu hỏi về sự công bố vội vàng này và dường như có “cuộc chiến” giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống lấp ló trong kết quả công bố Hay chăng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng không muốn theo vết xe đổ nên người dân cần tiếp tục chờ đợi? Chẳng phải, chờ đợi cũng là…hạnh phúc đó sao!

Nước mắm chứa thạch tín: Bộ Y tế đang nợ người tiêu dùng câu trả lời

Một chai nước mắm có đến 3 bộ “quản” mà dân vẫn bất an! Ảnh minh họa.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công và nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.

Tuy nhiên theo vị này, tất cả nguyên liệu đầu vào kể cả quá trình ướp cá và lên men hiện đang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm soát. Vậy là một chai nước mắm có đến 3 bộ “quản” mà dân vẫn bất an!

Quay trở lại kết quả khảo sát của VINASTAS, khi được hỏi trong đợt này đơn vị nào cung cấp nguồn lực và bao nhiêu tiền để Hội thực hiện cuộc khảo sát, thì đại diện của VINASTAS nói rằng không thể trả lời được câu hỏi này, đó là bí mật.

Một cuộc khảo sát xem ra minh bạch, kết quả công bố công khai nhưng cái “bí mật” lại khiến nhiều người phải đặt nghi vấn. Liệu rằng Bộ Y tế có minh bạch kết quả hay cũng minh mạch trong… “bí mật”?

Theo Diệp Chi/ Người Đưa Tin

Nguồn: nguoiduatin.vn/nuoc-mam-chua-thach-tin-bo-y-te-dang-no-nguoi-tieu-dung-cau-tra-loi-a303266.html