Công nghệ giúp “hồi sinh” người liệt

Công nghệ điều khiển bằng suy nghĩ đang giúp “hồi sinh” chân tay bị liệt của ông Bill Kochevar, 56 tuổi, trong cuộc thử nghiệm của Trường ĐH Case Western Reserve tại TP Cleveland, bang Ohio - Mỹ.

Bị liệt từ vai trở xuống sau một tai nạn giao thông 8 năm trước, ông Kochevar giờ đây có thể nắm và nâng vật thể nhờ tiến trình được sử dụng lần đầu tiên trên thế giới.

Theo đài Sky News hôm 29-3, thử nghiệm nói trên nằm trong cuộc nghiên cứu có tên BrainGate2, theo đó, thăm dò khả năng sử dụng hệ thống giao diện não - máy tính để giúp người bị liệt bởi những tổn thương xương sống.

Cụ thể, 2 điện cực nhỏ cỡ viên thuốc được cấy vào phần vỏ não vận động, ghi lại hoạt động của các tế bào thần kinh để tạo ra tín hiệu và gửi đi. Sau đó, 36 điện cực được cấy vào cánh tay phải, cho phép cơ cánh tay và bàn tay được kích thích để phản hồi tín hiệu từ não đã được giải mã bằng máy tính.

Số điện cực này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khôi phục cử động của ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và vai. Trong quá trình thử nghiệm, ông Kochevar phải bỏ ra 4 tháng học cách sử dụng tín hiệu não để di chuyển một cánh tay thực tế ảo trên màn hình máy tính.

'Công nghệ giúp “hồi sinh” người liệt
Sau 8 năm bị liệt, ông Bill Kochevar giờ đây có thể di chuyển cánh tay nhờ công nghệ điều khiển bằng suy nghĩ Ảnh: NPR

Thành tựu công nghệ nói trên giúp ông Kochevar có thể tự ăn uống mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong cuộc thử nghiệm mới nhất, bệnh nhân này có thể dùng muỗng múc đồ ăn từ cái chén và đưa ca nước lên miệng uống bằng ống hút.

Ông Kochevar nhận định công nghệ mới này tốt hơn so với những gì ông nghĩ. “Với một người bị thương và không thể cử động trong 8 năm, việc nhúc nhích được chút ít đã là điều quá tuyệt vời” - người đàn ông sống tại TP Cleveland bày tỏ.

Hệ thống trên vẫn còn cồng kềnh, nhiều dây nhợ trong lúc số lượng cơ có thể được kích thích chưa nhiều. Dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng sẽ vượt qua mọi rào cản về công nghệ trong 5-10 năm tới để hệ thống được sử dụng rộng rãi bên ngoài phòng thí nghiệm.

Trong một diễn biến cho thấy xu hướng kết nối não người và máy tính đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn. Tỉ phú công nghệ người Mỹ Elon Musk vừa thành lập Công ty Neuralink, tập trung phát triển công nghệ cấy ghép điện cực nhỏ xíu vào não người. Công nghệ này được kỳ vọng giúp con người cải thiện trí nhớ và được bổ sung trí tuệ nhân tạo để theo kịp các cỗ máy.

Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo con người một ngày nào đó có khả năng tải suy nghĩ từ não xuống hoặc đưa suy nghĩ vào đó. Trong nỗ lực chinh phục mục tiêu đầy tham vọng này, theo tờ The Wall Street Journal hôm 27-3, Neuralink đã mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực về làm việc.

Theo Nguoilaodong