Công nhân ngành phân bón điêu đứng vì thiếu việc



Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết năm 2016, tình hình tiêu thụ phân bón tại các đơn vị sản xuất còn chậm, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, một số đơn vị khó khăn phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên như Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Vinachem.

Công nhân ngành phân bón điêu đứng vì thiếu việc

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Vinachem cho biết năm 2016, ngành sản xuất phân Đạm và phân DAP của tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn do giá bán urê và DAP trên thế giới và trong nước giảm quá mạnh dẫn tới các đơn vị phải giảm sản xuất, dừng máy và phát sinh lỗ. 

Do chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị và doanh thu của tập đoàn nên sự sụt giảm của sản xuất phân đạm ure, phân DAP dẫn tới kết quả chung về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt chỉ tiêu hiệu quả của toàn tập đoàn trong năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là: 

Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 38.947 tỉ đồng, giảm 11,6%. Doanh thu đạt 41.634 tỉ đồng, giảm 9,1%. Chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của toàn tập đoàn đều đạt chưa cao so với năm 2015 do tồn tại một số khó khăn. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 445 triệu USD, trong đó tổng giá trị xuất khẩu đạt 225 triệu USD, giảm 12% so cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu đạt 220 triệu USD giảm 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Do mức tiêu thụ sản phẩm năm 2016 của các đơn vị sản xuất phân bón chậm, hàng tồn kho nhiều nên một số đơn vị khó khăn phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên như Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Vinachem...Số lao động phải nghỉ việc luân phiên khoảng 400 người.

Tại Vinachem hiện nay, ngoài những đơn vị hoạt động hiệu quả như: Phân bón Lâm Thao (LAS), phân bón Bình Điền (BFC), Cao su Đà Nẵng (DRC)...tập đoàn cũng phải gánh 4 doanh nghiệp thua lỗ khác là: DAP-Vinachem, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỉ đồng, DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 281 tỉ đồng và DAP – Vinachem (DAP Đình Vũ) lỗ 212 tỉ đồng. Con số lỗ của Đạm Hà Bắc chưa được công bố nhưng doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu lỗ 488 tỉ đồng

Theo đại diện Vinachem, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của các đơn vị này là giá bán phân bón giảm mạnh, đặc biệt phân u rê và DAP do ảnh hưởng từ giá dầu giảm.

Trước tình hình trên, sang năm 2017, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 42.419 tỉ đồng, tăng 8,3% so với năm 2016; Doanh thu đạt 43.567 tỉ đồng, tăng 3,9% so với năm 2016; Lợi nhuận đạt 155 tỉ đồng; Tiền lương tăng 5% so với năm 2016.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương xử lý triệt để việc xóa bỏ các cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả và gian lận thương mại đối với mặt hàng săm lốp, ắc quy nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Đồng thời, sớm triển khai biện pháp phòng vệ thương mại theo hướng áp thuế tự vệ đối với phân đạm u rê và phân DAP nhập khẩu.

Cùng với đó, tập đoàn cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0-5% theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo MTG