Cụ ông suýt gặp "Thần Chết" vì tự uống thảo dược dạng viên để trị bệnh

Tình trạng người bệnh tự ý dùng thảo dược tràn lan không rõ nguồn gốc đã khiến nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề.

Theo tờ Infonet, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp cụ Lê Văn M. (80 tuổi, ngụ Quận 7, TPHCM) với triệu chứng nôn mửa kéo dài, mệt mỏi.

Gia đình cho biết, cụ bị đái tháo đường đã nhiều năm. Thời gian trước khi nhập viện, sức khỏe và đường huyết của cụ rất ổn định, không cần dùng nhiều thuốc, chỉ uống ít thảo dược dạng viên hằng ngày.

Cách đây vài tuần, người bệnh bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, ói mửa nhiều lần, không ăn uống được nhưng không hề đau bụng, sốt hay tiêu chảy.

Cụ ông suýt gặp "Thần Chết" vì tự uống thảo dược dạng viên để trị bệnh

Cụ M. bị suy thận, toan máu nặng sau khi dùng thảo dược không nguồn gốc. Ảnh: Infonet 

Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ phát hiện cụ bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6.8 (mức bình thường 7.35-7.45).

Tình trạng toan máu nặng rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim từ rất lâu. Xác định đây là trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng và có thể tử vong bất kỳ lúc nào, ê kíp trực nhanh chóng tập trung lực lượng, thuốc men, máy móc, tiến hành điều trị thuốc song song với việc lọc máu cấp cứu ngay cho người bệnh.

Gia đình bệnh nhân cho biết, loại thuốc mà cụ M. đang dùng là một loại thảo dược dạng viên, đựng trong các bao nhựa không nhãn mác.

Do thấy bất tiện khi phải tiêm Insulin hàng ngày, người bệnh chuyển sang dùng thuốc thảo dược được một người quen giới thiệu có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua mà không cần khám bệnh hằng tháng.

Sau các xét nghiệm phân tích thành phần chuyên sâu của loại thuốc mà người bệnh sử dụng, các bác sĩ khẳng định đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm.

BS CKI. Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, cụ M. may mắn vì được chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý, cộng với việc cấp cứu kịp thời nên có thể qua khỏi, dù người bệnh vẫn phải theo dõi và chăm sóc tích cực nhiều ngày với máy thở và lọc máu liên tục. Các trường hợp tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%.

BS. Hậu còn cho biết thêm, thuốc Phenformin là thuốc trị đái tháo đường được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ, ban đầu là thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất tốt nhưng bị cấm sản xuất và lưu hành từ 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic khi dùng thuốc này. Tình trạng nhiễm toan acid lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm,…

Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân. Loại thuốc này đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Trước đó, theo báo Lao Động, BV Đa khoa Tuyên Quang vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Trần Thị D (62 tuổi, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) bị suy thận nặng do dùng thuốc nam. 

Bệnh nhân được gia đình đưa đến thăm khám trong tình trạng đau bụng, đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, tiểu ít.

Gia đình cho biết, khi bệnh nhân được chẩn đoán suy thận độ III, bệnh nhân không đồng ý điều trị tại BV mà quyết định về nhà “bốc thuốc nam”.

Sau 2 tuần uống thuốc nam, bệnh nhân không thấy đỡ mà bệnh có dấu hiệu nặng hơn như tiểu ít hơn, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng không tự chủ được. Vì vậy, gia đình đưa đến BV thăm khám.

Tại BV, kết quả xét nghiệm cho thấy, các chỉ số sinh hóa máu về chức năng thận đều tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận mạn, tự ý dùng thảo dược không rõ nguồn gốc để uống nên tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy, BV đã điều trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp: Bù dịch, điều chỉnh điện giải.

Theo VietQ

-------------------

Xem thêm:

Tự hại mình vì lạm dụng thảo dược thải độc gan

Cây chó đẻ có thể hỗ trợ làm mát gan nhưng không đồng nghĩa nó hóa giải hết độc tố của rượu, bia.

Tự hại mình vì lạm dụng thảo dược thải độc gan

Lạm dụng nước nhân trần có thể dẫn đến giảm chức năng gan, thậm chí gây teo gan, teo mật. Ảnh: Ngô Vinh


Với quan điểm “phòng hơn chữa”, không ít gia đình sử dụng thảo dược có chức năng làm mát, thải độc gan… vô tội vạ mà không biết rằng đang tự hại chính mình.

Chết vì tin thảo dược “chữa” viêm gan, thải độc

Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận không ít bệnh nhân nhập viện vìsuy gan nặng do bỏ điều trị Tây y chuyển sang dùng thảo dược.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân B.V.Th. (Hải Phòng) bị viêm gan B đã điều trị ổn định, nhưng sau đó bệnh nhân bỏ điều trị chuyển sang uống thảo dược dẫn đến suy gan, suy thận.

Theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, người dân không nên nghe theo những bài thuốc truyền miệng.

Khi có bệnh, cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ, đúng thuốc, tránh tự ý bỏ điều trị, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thậm chí là mất mạng.

Những bệnh nhân bị viêm gan B và C mạn tính cần phải uống thuốc kháng virus đều đặn nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế các biến chứng của bệnh.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội: Hiện, nhiều loại thảo dược được mọi người rỉ tai nhau có tác dụng chữa các bệnh viêm gan hoặc thải độc gan tốt.

Đơn cử như cây chó đẻ răng cưa, nhiều người tin rằng cứ sau mỗi chầu bia, rượu, uống nước đun loại cây này là “gan lại chạy tốt”. Thậm chí, nhiều bà nội chợ còn cho rằng, uống nước cây chó đẻ sẽ giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.

Uống nước đủ, tăng cường vận động, bỏ thói quen uống bia, rượu và sử dụng chất béo… chính là cách thải độc gan tốt nhất”.

Lương y Vũ Quốc Trung

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Minh, loại nước đun từ cây chó đẻ có thể hỗ trợ làm mát gan nhưng không đồng nghĩa nó hóa giải hết độc tố của rượu, bia.

Đáng lưu ý, đối với người bình thường, không bị tổn thương về gan nếu lạm dụng, sẽ dẫn đến tác dụng “ngược”, ảnh hưởng đến chức năng cũng như khả năng miễn dịch của gan, thậm chí những trường hợp uống thuốc sắc từ cây chó đẻ sẽ bị phá hồng huyết cầu...

Gần đây, nhiều người còn truyền tai nhau công dụng thanh nhiệt, giải độc gan, chữa viêm gan của cà gai leo theo bài thuốc của người dân tộc.

 “Cần cẩn trọng trong việc tự ý mua và dùng cà dây leo bởi rất dễ nhầm lẫn với loại cây cà dại, cà rừng chứa nhiều chất độc, gây chết người.

Nên chăng, người có nhu cầu sử dụng nên tìm mua loại thuốc được chế từ loại cây này đã được cấp phép sản xuất lưu hành.

Người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh trước khi có quyết định điều trị”, lương y Vũ Quốc Trung, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền tại đường Láng cho biết.

Uống nhân trần cẩn trọng teo gan, mật

Những ngày trời nóng bức, nhiều gia đình coi nhân trần là thức uống thông dụng với quan niệm “mát gan, thải độc gan”.

Tuy nhiên, qua trao đổi với PV Báo Giao thông, lương y Bùi Hồng Minh cho biết, theo sách dược liệu Đông y, nhân trần có vị đắng, tính bình và có tác động vào hai kinh Can - Đảm (Gan và mật), chủ trị chữa vàng da, thích hợp dùng cho phụ nữ sau sinh nhằm chống hậu sản, sạch huyết, người có tiêu hóa kém.

“Như vậy, nhân trần chỉ phù hợp với những bệnh nhân ở thể hàn tích (người béo, tiêu hóa kém), gan kém, không tiêu hóa tốt…

Chống chỉ định với những người bình thường, gan không nóng. Việc lạm dụng nhân trần có thể dẫn đến giảm chức năng gan, thậm chí gây teo gan, teo mật”.

Ông Minh cho hay, việc uống nhân trần hàng ngày đối với người không có bệnh về gan có nghĩa là bắt gan và mật phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và quá tải.

Cùng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung nhận định: “Trong Đông y có câu “không bất cập, không dư thừa” để khẳng định việc thừa hay thiếu bất kỳ chất gì đối vối cơ thể cũng đều không tốt, thậm chí có hại.

Nếu không có bất thường về gan, mật thì tuyệt đối không nên tự tiện dùng nước nhân trần thay nước uống hàng ngày. Việc dùng nhân trần liên tục, kéo dài sẽ khiến tăng tiết mật, lâu dần sẽ làm hư hỏng mật”. Chưa kể, khi nấu nhân trần, các gia đình thường thêm cam thảo.

Trong Đông y, cam thảo là chất dẫn thuốc, khiến cho thuốc phát huy tác dụng hơn và có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải. Hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.

“Với các dược liệu thảo dược đôi khi có lợi cho người này mà lại có hại cho người khác bởi mỗi cơ thể có nhu cầu khác nhau. Do vậy, người dân không thể tùy tiện sử dụng theo những lời rỉ tai”, ông Trung khuyến cáo.

Để dẫn chứng thêm, ông Trung cho biết, ngay với nhân sâm vốn được coi lại dược liệu cực quý có công dụng bồi bổ sức khỏe thần kỳ, tuy nhiên nếu dùng không đúng cách cũng gây chết người. Loại dược liệu này được chống chỉ định với người đang mắc tiêu chảy.

Theo Vũ Anh (Baogiaothong)