Đại gia đưa AirAsia về Việt Nam là ai?



Liên doanh AirAsia, Gumin và Hải Âu cùng ông Trần Trọng Kiên sẽ thành lập hãng hàng không giá rẻ để gia nhập thị trường Việt Nam, một thị trường được đánh giá đầy tiềm năng.

Theo Bloomberg, liên doanh hàng không giữa AirAsia, Công ty Gumin và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu cùng ông Trần Trọng Kiên đã được ký kết, và dự kiến thành lập một hãng hàng không mới tại Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu theo đó là Gumin nắm 70% vốn, AirAsia nắm 30% còn lại.

Thực tế, ông Trần Trọng Kiên hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiên Minh Group (TMG) - công ty mẹ của Hải Âu. Ông đồng thời là người thành lập Gumin với số vốn điều lệ vỏn vẹn 200 triệu đồng vào ngày 29/3 mới đây, trong đó, ông Kiên nắm 51% vốn và ông Hồ Việt Hà nắm 49%.

Với tham vọng trở thành một hãng hàng không liên châu Á, Việt Nam là điểm đến mới nhất trong dự định của AirAsia.

Thị trường hàng không Việt Nam hiện tăng trưởng 28% một năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực.

Trước đó, AirAsia đã 3 lần đầu tư không thành công vào Việt Nam. Lần này, đối tác của hãng hàng không Malaysia là ông Trần Trọng Kiên, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.

Đại gia đưa AirAsia về Việt Nam là ai?

Phạm vi hoạt động của Tập đoàn Thiên Minh do ông Trần Trọng Kiên làm chủ. Nguồn: TMG.

Tập đoàn Thiên Minh của ông Kiên cũng mới bắt đầu gia nhập thị trường hàng không từ năm 2011, khi cùng một đơn vị khác thành lập Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu, với dịch vụ du lịch bằng thủy phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)...

Tập đoàn Thiên Minh được thành lập từ năm 1994, hiện có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng, trong đó ông Trần Trọng Kiên nắm giữ 36% và Vietnam Investment Fund I nắm 23,7%.

Thiên Minh hiện nắm trong tay hàng loạt các thương hiệu như Buffalo tours, cholon tours, Asia Outdoors, Govacation Vietnam, Peak Vietnam, hệ thống khách sạn Victoria (tại Sapa, Hội An, Phan Thiết… và Lào), Lazalee, Emeraude…

Mảng kinh doanh cốt lõi của Thiên Minh là quản lý điểm đến, nổi tiếng với cái tên Buffalo Tours thành lập từ năm 1994. Công ty hiện có văn phòng điều hành tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản…

Thiên Minh bắt đầu tham gia vào hoạt động kinh doanh khách sạn từ năm 2004, sau khi mua lại cổ phần của Khách sạn Festival Huế.

Đến năm 2005, Tập đoàn hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd (một công ty điều hành tour của Australia) để thành lập Công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam), nhằm mở rộng họat động du lịch tại Đông Nam Á và cả châu Á.

Đại gia đưa AirAsia về Việt Nam là ai?
Trong những năm gần đây, chỉ số lợi tức và thu nhập của TMG tăng tương đối ổn định. Đồ họa: Quang Thắng.

Đây cũng là doanh nghiệp khá “chịu chơi” khi thường xuyên tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.

Năm 2011, Thiên Minh mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam với sự hậu thuẫn của các tổ chức tài chính nước ngoài. Cùng năm, tập đoàn cũng khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào.

Năm 2011 cũng đánh dấu dấu mốc doanh nghiệp này tham gia vào lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ… Hiện Thiên Minh đang nắm giữ phần lớn cổ phần tại Hải Âu sau khi mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) hồi năm 2013.

Ông Kiên sau đó đã tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thuỷ phi cơ, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, ngoài việc phục vụ hơn 15.000 lượt khách đến từ 42 quốc gia trên toàn thế giới và thực hiện hơn 1.000 chuyến với 150.000 km bay tại các địa điểm thì Hải Âu vẫn chưa có lãi.

Tính tới đầu năm 2016, mỗi năm Hải Âu chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay cho 3 thuỷ phi cơ đang có.

Theo Zing