'Đại gia phố núi' đối mặt với hàng tồn và nợ

Giá trị hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục tăng lên 6.000 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với 1.400 tỷ đồng nợ đến hạn vào cuối tháng 3.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QGC) được chuyển đổi mô hình công ty cổ phần từ năm 2007, với vốn điều lệ 259 tỷ đồng. Từng có thời gian tăng trưởng nhanh, nhưng hiện tại “đại gia phố núi” đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lượng hàng tồn lớn của mình.

Đường kinh doanh từ lãi đến tụt dốc 

Doanh nghiệp này từng nổi danh trên thị trường chứng khoán với sự hậu thuẫn của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam.

3 năm sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh năm 2007, doanh nghiệp liên tục ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản phía Nam. Công ty liên tiếp rót tiền vào các dự án và góp vốn cùng với công ty Nhà Phạm Gia; mở rộng dự án Phước Kiển từ 19 ha lên 28 ha rồi 93 ha; triển khai dự án Giai Việt; nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty bất động sản Hiệp Phú lên 55%…

'Đại gia phố núi' đối mặt với hàng tồn và nợ

2007-2010 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Quốc Cường Gia Lai. Ảnh minh họa: DNSG.

Cùng với quỹ đất ngày càng mở rộng, doanh nghiệp cũng có nhiều dự án mang dấu ấn Quốc Cường Gia Lai. Kết quả lợi nhuận trong giai đoạn này của công ty rất khả quan. Trong 2 năm 2009, 2010, công ty lần lượt báo lãi ròng đạt 123 tỷ và 283 tỷ đồng.

Trước khi niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 8/2010, doanh nghiệp này đã tiến hành tăng vốn lên mức gần 602 tỷ đồng, bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư, đối tác chiến lược.

Với kết quả kinh doanh thuận lợi, liên tục thâu tóm, mở rộng các dự án, ngay khi lên sàn, Quốc Cường Gia Lai trở thành một trong những mã cổ phiếu được săn đón với thị giá trên 45.000 đồng/cổ phiếu.

Dấu ấn đặc biệt nhất của "đại gia phố núi" trên sàn chứng khoán chính là chào bán hơn 61,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về hơn 926 tỷ đồng.

Sau năm 2011, doanh nghiệp này vẫn thông báo mở các dự án như Khu dân cư phức hợp Phước Kiển (TP.HCM) và dự án khu căn hộ cho thuê và khách sạn dịch vụ thương mại quận 1, TP.HCM, hay các dự án cao su và thủy điện…

'Đại gia phố núi' đối mặt với hàng tồn và nợ
Tính từ năm 2011 đến 2016, Quốc Cường Gia Lai mới chỉ tạo ra tổng cộng 92 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Đồ họa: Quang Thắng.

Tuy nhiên, cũng từ năm này, kết quả kinh doanh của “đại gia phố núi” tụt dốc nhanh.

Nếu như năm 2010, công ty đạt 717 tỷ đồng doanh thu và 283 tỷ đồng lãi ròng thì năm 2011 doanh thu đã giảm gần 1 nửa, còn 398 tỷ đồng, và khoản lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, chưa năm nào Quốc Cường Gia Lai lãi quá 100 tỷ đồng. Thậm chí, tính cả giai đoạn 2011-2016, công ty mới chỉ tạo ra được tổng cộng 92 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Năm 2016, doanh nghiệp này công bố mức doanh thu cao kỷ lục, lên tới 1.588 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình thì doanh thu tăng cao do công ty này đã chuyển nhượng lại một phần đất nền dự án Hải Châu cho đối tác.

Trước đó, vào tháng 3/2016, "đại gia phố núi" từng chi gần 900 tỷ đồng để mua lại khu đất này từ công ty con của Bầu Đức và một phần từ nhà nước.

Bài toán hàng tồn kho và trả nợ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, giá trị lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 73% tổng tài sản.

Năm qua, trong khi chuyển đổi được hơn 721 tỷ đồng tài sản dở dang, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng tăng thêm hơn 500 tỷ đồng.

Vài năm trước đó, giá trị hàng tồn kho đã luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản của Quốc Cường Gia Lai. Phần lớn hàng tồn kho là bất động sản dở dang, với giá trị 5.869 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các dự án nổi bật đang triển khai, như dự án khu dân cư Phước Kiển; dự án chung cư Giai Việt; dự án Thủ Thiêm và dự án Bến du thuyền…

'Đại gia phố núi' đối mặt với hàng tồn và nợ
Một số dự án bất động sản đang triển khai của Quốc Cường Gia Lai. Đồ họa: Quang Thắng.

Không chỉ phải giải bài toán hàng tồn kho, trong năm 2017, Quốc Cường Gia Lai cũng phải đổi mặt với hàng loạt các khoản nợ tài chính đến hạn trả.

Tính đến hết ngày 31/12/2016, đơn vị này có 1.692 tỷ đồng nợ vay tài chính sắp đến hạn trả, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, hơn 1.400 tỷ đồng là nợ vay dài hạn đến hạn trả.

Hiện 241,3 tỷ trên tổng số 291,3 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của Quốc Cường Gia Lai đã đến ngày đáo hạn; 50 tỷ đồng vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn -Chi nhánh Tân Định sẽ đến hạn trả ngày 31/3 tới đây.

Với 1.401 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả, đáng chú ý có 3 khoản vay cùng tại BIDV - Chi nhánh Quang Trung với con số lần lượt là 1.086,8 tỷ đồng (dự án Phước Kiển); 265 tỷ đồng và 25,8 tỷ đồng (dự án nhà ở xã hội lô 4, khu đô thị mới Nam TP.HCM). Cả 3 khoản vay này cũng đến hạn trả vào ngày 31/3.

Cùng với đó là hơn 100 tỷ đồng vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai và Ngân hàng Liên doanh Việt Nam - Chi nhánh TP.Đà Nẵng sẽ đến hạn vào năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán, việc liên tiếp phát hành cổ phiếu tăng thêm giúp vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng liên tục từ 601 tỷ đồng vào năm 2010 lên 2.751 tỷ đồng ở hiện tại. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu QCG đã sụt giảm từ mức 45.000 đồng thời điểm 2010 xuống chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Theo Zing