Đắp lá chữa u vú: Mất tiền, thêm bệnh

Ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ, khối u thêm xâm lấn, di căn do đắp lá.

- Phần lớn ca bệnh ung thư vú tự đắp lá, tự chữa bằng thuốc Nam không nguồn gốc, khi đến viện đều ở giai đoạn muộn.

Chỉ vì nghe lời mách bảo mà nhiều người đã tự lấy lá dại trong vườn, thuốc Nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ để đắp vào các u, cục nổi lên ở vùng vú với hy vọng sau vài tuần những khối u đó sẽ xẹp.

Thế nhưng, xẹp đâu không thấy, hậu quả càng nặng nề hơn và không ít người đã rất hối hận chỉ vì “đánh cược” mạng sống của mình theo kiểu chữa bệnh mách bảo...

Khối u thêm di căn vì... đắp lá

Mới đây, BV Ung bướu Hà Nội đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 52 tuổi ở Sơn Tây nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Theo lời kể của bệnh nhân N.T.C, trước đó, bà đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2.

Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C. đã nghe lời mách bảo của bạn bè, nhờ người làng mua thuốc lá của “thầy lang” trên vùng núi với lời quảng cáo “chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não”.

Có thuốc của “thầy lang”, bà C. đã dùng lá đắp vào phần vú có khối u, mặc dù cảm thấy nóng rát, đau tức nhưng bà C. vẫn tin đó là thuốc đang “có tác dụng” cho đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới ép bà đi khám.

Tại BV Ung bướu Hà Nội, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà C. bị nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá. Phần hoại tử đã lan rộng sang nách, do đó, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách. Điều đáng tiếc khối u vú của bà C. đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn cuối...

Đáng tiếc, trường hợp như bà C. không quá hiếm, mới đây, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân D.C. (ở An Giang) do đắp lá dại mọc ven hàng rào.

Theo lời kể của bệnh nhân, chị là công nhân may, cách đây một năm, ngực trái của chị nổi khối u bằng trứng cút. Cảm giác liên tục bị nóng nên chị D.C. đã ra tiệm mua thuốc hạ sốt uống. Tuy nhiên khối u ở ngực mỗi ngày mỗi lớn khiến chị D.C. bị đau và sốt nhiều hơn.

“Một hôm người quen qua nhà chơi. Sau khi nghe tôi kể lại, người này ra hàng rào cạnh nhà hái mớ lá dại rồi đâm nhỏ và đắp lên khối u trên ngực tôi. Người này còn nói tôi làm liên tiếp chừng hai tuần là khối u sẽ xẹp, hết đau, hết ngứa. Nghe nói vậy tôi làm theo liên tục” - bệnh nhân D.C. kể lại.

Thế nhưng xẹp đâu không thấy mà càng đắp lá dại thì ngực trái của chị D.C. càng sưng to, càng ngứa, càng đau. Mãi cho đến khi khối u bị vỡ khiến dịch vàng chảy ướt áo, đau đớn nên chị D.C. mới lên BV Ung bướu TP.HCM để thăm khám và điều trị.

Phần lớn ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị khi không ở giai đoạn đầu

Trao đổi với chúng tôi về những câu chuyện đáng tiếc này, TS. Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K) cho biết, ông cũng đã gặp rất nhiều ca ung thư vú nhưng bệnh nhân tự đắp lá linh tinh, dẫn đến viêm nhiễm, lở loét.

Có nhiều bệnh nhân khi đến thăm khám, đã trong tình trạng khối u hoại tử, lở loét, máu và mủ chảy đầy. Lúc đấy việc điều trị vô cùng khó khăn vì da thịt hoại tử, thối rữa. “Đối với những trường hợp này, chúng tôi vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót” - TS. Quang cho biết   

Đắp lá chữa u vú: Mất tiền, thêm bệnh

Khi nghi ngờ có khối u vú, chị em cần đi khám và điều trị tại bệnh viện.

Theo TS. Lê Hồng Quang, chúng ta thông cảm với người bệnh khi mắc bệnh sẽ dẫn đến tâm lý cả tin vì muốn nhanh khỏi bệnh, nhưng người bệnh nên tin tưởng và làm theo cách chữa bệnh khoa học, tránh tâm lý buông xuôi muốn đến đâu thì đến, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học.

Họ tìm phép màu, tìm hy vọng ở các bài thuốc lá lảu, các phương pháp chữa ung thư dân gian qua lời mách nước, quảng cáo của bạn bè, dư luận... để chữa bệnh để rồi tiền mất mà thêm tật.

“Các bài thuốc này thường được tuyên truyền, thổi phồng tác dụng như “thần dược” chữa được bách bệnh, trong đó có ung thư khiến nhiều người tin theo.

Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn, không thể cứu được tính mạng bệnh nhân” - TS. Quang nói.

TS. Lê Hồng Quang cũng cảnh báo, thực trạng đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4.

Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.

Mỗi năm, Khoa Ngoại vú - BV K tiếp nhận điều trị cho khoảng 1.800-2.000 bệnh nhân. Độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở Việt Nam từ 45-55 tuổi, sớm hơn 10 - 15 năm so với phụ nữ Âu Mỹ từ 55-70 tuổi. Hơn 80% số ca ung thư vú phải cắt bỏ một hoặc cả hai bên ngực.

Theo suckhoedoisong