Dấu hợp quy trên bàn là - 'bảo bối' với người tiêu dùng

Tem Hợp chuẩn hợp quy (CR) là dấu hiệu nhận biết dễ dàng giúp người tiêu dùng lựa chọn bàn là chính hãng và an toàn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn thờ ơ với điều này.

Nhiều người tiêu dùng chưa biết đến cách chọn mua bàn là 'xịn', an toàn như thế nào

Theo khảo sát của PV, bàn là là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Hà Nội, trong đó, sản phẩm bàn là cây được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và có xu hướng mua,sử dụng nhiều. 

Dấu hợp quy trên bàn là - 'bảo bối' với người tiêu dùng

 Bàn là - một trong những mặt hàng thiết yếu trên thị trường điện, điện tử 

Một số sản phẩm bàn là cây được ưa chuộng trên thị trường hiện nay đó là: Coex: GS-802 giá: 1.890.000 đồng; GS-801 giá: 1.790.000 đồng; bàn là cây KG758/78N giá : 2390.000 đồng.

Cũng giống như nhiều thiết bị điện, điện tử khác, bàn là bị làm giả, làm nhái hay hàng kém chất lượng vẫn nhan nhản, bán lẫn lộn tại một số cửa hàng điện, điện tử.

Một trong các kinh nghiệm để phân biệt hàng kém chất lượng là các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định với các sản phẩm và tem Hợp quy- CR được gắn trên sản phẩm.

Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều người tiêu dùng vẫn 'lơ mơ' về điều này hoặc hiểu về các tiêu chí an toàn cũng như vì sao cần phải xác định sản phẩm có dấu hợp quy hay không thì không ai giải thích cụ thể, rõ nét được.

Tại cửa hàng điện tử, điện lạnh Tuấn Anh trên đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người dùng đang lựa chọn mua bàn là với hai tiêu chí là giá thành và thương hiệu. Trong khi đó, yếu tố công suất, tem, nhãn mác nhiều người lại thờ ơ.

Chị Phạm Thị Tâm (Trần Phú – Hà Đông) cho rằng, chị chỉ quan tâm đến thương hiệu và thấy hợp túi tiền thì mua.

Còn các loại tem hay nhãn mác kiểm định chất lượng thì cũng có khi thấy có trên sản phẩm nhưng không biết hết ý nghĩa của nó. Theo chị Tâm, bởi vì, đôi bị giá thành và mẫu mã sản phẩm ảnh hưởng đến cảm quan khi mua hàng.

“Từ trước đến nay, mua các mặt hàng điện tử tiêu chí của tôi là rẻ, sản phẩm của các thương hiệu quen. Còn về các loại tem hay dấu kiểm định thì tôi không rõ được hết.

Tôi cũng lo lắng với các sản phẩm không an toàn nhưng thực sự không rõ hết được công dụng của những tem nhãn trên sản phẩm.

Tuy nhiên, từ hôm nay, sau khi được các bạn cho biết đến cách nhận biết đơn giản là tem CR trên sản phẩm để xác nhận về an toàn của sản phẩm hợp quy chuẩn thì sau này tôi sẽ căn cứ vào đó để chọn mua hàng.

Không lẽ nào mà sản phẩm được chứng nhận hợp quy, an toàn mà không chọn, lại đi chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc”, chị Tâm nói.

Cũng như chị Tâm, chị Mai Hoa (Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) đang chọn mua bàn là tại siêu thị Big C, khi được hỏi về có biết những chiếc tem CR trên thân sản phẩm mang ý nghĩa gì, chị Hoa cũng trả lời rất đơn giản, đó là tem xác nhận sản phẩm được lưu thông trên thị trường.

“Tôi nghĩ, đó là một chiếc tem để đánh dấu lô hàng hoặc tem lưu thông của nhà sản xuất. Tôi không biết đó lại là chiếc tem để phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng. Tôi chưa biết hết về công dụng từ chiếc tem này”, chị Mai Hoa nói.

Không có tem Hợp quy khi lưu thông trên thị trường sẽ bị phạt như thế nào?

Quy định dán tem CR đối với các mặt hàng điện, điện tử nói chung và bàn là nói riêng có hiệu lực từ tháng 9/2009.

Với người dân có thể vì lơ là và không tìm hiểu nên những chiếc tem CR “vô tình” lại chưa nhận được sự quan tâm. Trong khi, chính những chiếc tem ấy lại là công cụ nhận biết và bảo vệ quyền lợi của chính họ.

Dấu hợp quy trên bàn là - 'bảo bối' với người tiêu dùng

 Tem CR là bảo bối giúp cho người dùng nhận biết được bàn là chính hãng để tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc

Với doanh nghiệp là các nhà sản xuất, phân phối và bày bán, khi lưu thông các sản phẩm bàn là không có tem Hợp quy sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm.

Theo ông Nguyễn Quốc Thủy, Phó vụ trưởng, Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp quy – Tổng cụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì “Hợp chuẩn là tự nguyện (trừ trường hợp tiêu chuẩn đó được cơ quan quản lý có thẩm quyền quy định bắt buộc áp dụng trong một văn bản quy phạm pháp luật), hợp quy là bắt buộc. 

"Tại QCVN 4:2009/BKHCN đã quy định: Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là cơ quan kiểm tra) (điều 3.1).

Do đó, các thiết bị điện, điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi lưu thông bắt buộc phải được gắn dấu hợp quy (CR), ông Thủy cho biết.

Ông Thủy thêm thông tin, việc xử phạt hành vi vi phạm này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP (Điều 19) tương ứng với hành vi vi phạm thực tế.

Theo vietq