"Đâu là giới hạn của con người?" - Lời tâm sự "gan ruột" đầy xúc động của bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM

"Những bệnh nhân còn nằm lại đều là những bệnh nhân nặng, những y bác sĩ ở lại Chợ Rẫy đều phải gồng mình làm gấp hai ba ngày thường. Mỗi ngày làm 10h, rồi 12h…rồi 80 giờ một tuần không còn hiếm. Nhìn những gương mặt mệt mỏi của nhân viên Bệnh Nhiệt đới, bỗng tự hỏi 'đâu là giới hạn sức con người'".

Những ngày vừa qua, đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên ở TP.HCM đang gồng mình chống dịch khi các ca F0 tăng cao mỗi ngày. Dù TP.HCM đã triển khai xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với công suất hàng chục nghìn giường, tuy nhiên nỗi lo quá tải nguồn lực điều trị vẫn hiển hiện.

Đặc biệt, sự khẩn trương, gấp rút từng phút từng giây để điều trị, cấp cứu cho các ca COVID-19 diễn biến nặng càng hiện diện rõ ràng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Ngay tại các khu cách ly ở khoa Bệnh Nhiệt đới và khoa Hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy, các ê-kíp y bác sĩ vẫn miệt mài ngày đêm điều trị cho những trường hợp nhiễm COVID-19 nặng. Được biết, thời điểm hiện tại riêng tại khoa Bệnh Nhiệt đới có đến 113 bệnh nhân đang được điều trị.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trong suốt gần 3 tháng vừa qua để giúp các bệnh nhân COVID-19 thoát "cửa tử", mới đây, TS.BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những chia sẻ xúc động trên trang Facebook cá nhân.

TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy là người được giao nhiệm vụ điều phối và quản lý 2 khu vực đặc biệt này.

dau-la-gioi-han-cua-con-nguoi-loi-tam-su-gan-ruot-day-xuc-dong-cua-bac-si-tuyen-dau-chong-dich-o-tp-hcm

Các ê-kíp y bác sĩ vẫn miệt mài ngày đêm điều trị cho những trường hợp nhiễm COVID-19 nặng (Ảnh: Báo Công an TP.HCM)

Để hiểu những khó khăn mà đội ngũ nhân viên y tế tại đây phải trải qua, chúng tôi xin được trích nguyên văn những chia sẻ "gan ruột" của TS.BS. Lê Quốc Hùng:

"Ngày 30/4 khi cả nước vui mừng đón lễ hội, cũng là lúc nhân viên khoa Bệnh Nhiệt đới lặng lẽ đón nhận điều trị cho một bệnh nhân quan trọng bị mắc bệnh COVID-19 từ phương xa. Và cũng từ đó số lượng nhân viên trực tiếp tham gia điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 ngày càng gia tăng, như báo hiệu cho đợt dịch thứ tư của Việt Nam.

Trung tuần tháng 6, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Toàn khoa chuyển sang chế độ trực chiến, chỉ điều trị COVID-19 nặng. Nhắc nhở chăm chút lẫn nhau vì an toàn cho người bệnh, vì an toàn cho nhân viên.

Cuối tháng 6, những thoáng lo âu cho gia đình người thân đã xuất hiện. Bảo nhau thu xếp chuyện gia đình, con cái, nhiều người dọn vào BV ở luôn. Ai cũng hiểu cuộc chiến này sẽ căng.

dau-la-gioi-han-cua-con-nguoi-loi-tam-su-gan-ruot-day-xuc-dong-cua-bac-si-tuyen-dau-chong-dich-o-tp-hcm

Ảnh: Báo Công an TP.HCM

Đầu tháng 7, số bệnh nhân nhập viện tăng ào ạt, kinh khủng, ngày cũng như đêm. TP.HCM gồng mình chịu đựng. Nhân viên Bệnh Nhiệt đới đã thấm mệt sau hơn hai tháng chiến chinh trong môi trường khắc nghiệt nóng bức bao trùm. Đợi chờ, chờ đợi được bổ sung, thay thế nhân lực.

Nhưng những con số hàng ngày báo người dương tính như nhảy múa, tăng cao, ám ảnh. Điện thoại reo liên tục báo xin hỗ trợ từ các bệnh viện trong và ngoài thành phố. Những cuộc họp liên miên tìm giải pháp tháo gỡ.

Những bệnh viện dã chiến hàng trăm, hàng ngàn giường xuất hiện mới mỗi ngày vẫn không đáp ứng đủ. Từng đoàn, từng đoàn y bác sĩ rời Chợ Rẫy tới hỗ trợ các bệnh viện mới mọc lên.

Bệnh viện trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Những bệnh nhân còn nằm lại đều là những bệnh nhân nặng, những y bác sĩ ở lại Chợ Rẫy đều phải gồng mình làm gấp hai ba ngày thường. Nhân viên Bệnh Nhiệt đới không còn đợi bổ sung nhân lực nữa. Lặng lẽ làm việc, tăng ca, tăng giờ làm.

Mỗi ngày làm 10h, rồi 12h…rồi 80 giờ một tuần không còn hiếm.

Và rồi bệnh nhân đầu tiên không vượt qua khỏi bạo bệnh cũng đã có, nỗi buồn không chỉ của một người. Giám đốc an ủi 'chúng ta đã cố hết sức rồi anh ạ', và như một mệnh lệnh thời chiến 'bệnh nhân nặng đợi chờ ở khắp nơi, chúng ta phải gấp rút mở thêm khu hồi sức trong bệnh viện, nhân lực từ các chuyên khoa khác sẽ góp phần hỗ trợ các anh'.

Hơn 31 năm làm việc, lăn lộn công tác các tỉnh thành, những tưởng đã nếm trải đủ khó khăn của nghề. Nhưng không, chưa bao giờ vấp phải khó khăn như ngày hôm nay.

Hai ngày nữa, khu hồi sức tích cực mới hoàn thành, hàng loạt bệnh nhân nặng sẽ mau chóng lấp đầy.

Nhìn những gương mặt mệt mỏi của nhân viên Bệnh Nhiệt đới, bỗng tự hỏi ĐÂU LÀ GIỚI HẠN SỨC CON NGƯỜI. Đã nhiều ngày họ làm việc bằng ý chí, hãy cố lên tí nữa nhé các em".

Ngay sau khi những dòng chia sẻ của TS.BS. Lê Quốc Hùng được đăng tải đã khiến nhiều người xúc động và phần nào thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm gồng mình chống dịch.

Một bác sĩ cũng đã để lại những lời động viên bên dưới bài chia sẻ, "Chỉ biết nói trân trọng sự hy sinh cao cả và những đóng góp của BS. Hùng và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng lực lượng y tế nói chung đã rất vất vả nơi tuyến đầu chống dịch.

Tại bệnh viện, bệnh nhân chỉ biết trông chờ và phó thác tính mạng mình cho các bác sĩ, nhiệm vụ áp lực tăng liên tục hơn 2 tháng thực sự quá sức, nhưng các bạn đã cứu được biết bao sinh mạng. Cố lên nhé bạn mình, chúng tôi luôn đặt niềm tin vào các bạn, tự hào về các bạn. Giữ gìn sức khỏe vì bệnh nhân và gia đình thân yêu".

Tài khoản R.H cũng gửi lời động viên các y bác sĩ tuyến đầu, "Rất cảm phục và thương sự hy sinh, vất vả ngày đêm của các y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch để cứu các bệnh nhân COVID nặng.

Các chiến sĩ áo trắng là những anh hùng thầm lặng thời bình. Mong các y bác sĩ, điều dưỡng hãy cố gắng nhé. Trân trọng cảm ơn toàn thể các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, công an, quân đội, tình nguyện viên và tất cả mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này".