Đề xuất lùi áp dụng lương hưu đến 2020

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết bộ đã trình Chính phủ các phương án điều chỉnh việc thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014, trong đó có phương án lùi đến năm 2022 mới thực hiện

Phóng viên: Bộ trưởng cảm thấy thế nào khi nghe tin cô giáo mầm non Trương Thị Lan (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lãnh lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm công tác?

- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung: Trường hợp như cô giáo Lan rất nhiều, thậm chí có người còn lãnh lương hưu 700.000 đồng/tháng.

Theo quy định hiện nay, đối tượng đóng BHXH ở mức thấp thì lương hưu sẽ không cao. Do vậy, để bảo đảm giáo viên và công chức, viên chức có mức đóng thấp nhận được mức lương hưu không quá thấp thì Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khối cơ quan nhà nước, trong đó điều chỉnh cả mức lương hưu.

Còn Bộ LĐ-TB-XH chủ trì xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương của khối sản xuất - kinh doanh. Chúng tôi dự kiến trong tháng 11-2017 sẽ cơ bản hoàn tất dự thảo đề án.

Đề xuất lùi áp dụng lương hưu đến 2020 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội Ảnh: NGUYỄN NAM

Con số lao động nữ thiệt thòi từ quy định mới là bao nhiêu?

- Đánh giá tổng thể đến ngày 1-1-2018, cả nước có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu, trong đó nam chiếm 60.000 người và nữ là 50.000 người.

Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014, nam giới thiệt ít hơn vì có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 người bị thiệt, trong đó 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất. Theo cách tính lương hưu mới này, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%).

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét vấn đề này để có biện pháp sớm can thiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ. Bộ LĐ-TB-XH là đơn vị chủ trì xây dựng Luật BHXH nên sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2, điều 56, Luật BHXH.

Trong đó, các giải pháp phải bảo đảm những nguyên tắc như không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; bảo đảm có đóng BHXH có hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Vậy Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ NLĐ?

- Tôi đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này. Trong đó, có phương án tạm thời chưa thực hiện (khoản 2, điều 56 Luật BHXH - PV) và sẽ kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện. Vấn đề này Chính phủ phải thảo luận, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, sau đó trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới thực hiện.

Ưu tiên những mặt khác

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Nếu BHYT là loại bảo hiểm mà khi đóng không mong mỏi được hưởng nên có tính chất chia sẻ giữa người này với người khác thì BHXH lại không có tính chất sẻ chia.

"Nếu đã bình đẳng về tài chính rồi thì làm gì có chuyện ưu tiên phụ nữ? Người ta ưu tiên phụ nữ là ưu tiên những chính sách khác như chính sách y tế, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhà giữ trẻ... Còn tiền túi của người khác đóng mà nói "bốc" cho người khác một ít thì không có, không hợp lý" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

TH.DƯƠNG

Thế Dũng ghi

Theo NLD