Đi làm trở lại, người lao động tại TPHCM ứng phó như thế nào với 4 "xanh"?

Quy định về nơi ở xanh, nhân lực xanh có thể sẽ khiến nhiều lao động tại các Khu công nghiệp (KCN) ở TPHCM chưa thể trở lại ngay với công việc trong giai đoạn mới.

Thực hiện "4 xanh" không phải dễ dàng

Từ nay đến 30/9, TPHCM đang thực hiện nhiều công tác chuẩn bị để bước sang giai đoạn mới vào tháng 10. Các KCN, người lao động cũng chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày thành phố được "nới lỏng" các hoạt động kinh tế..

Một trong những phương án mà doanh nghiệp phải tổ chức để được hoạt động trong giai đoạn mới đó chính là "4 xanh" gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn phía trước.

Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TPHCM, thành phố và nhiều địa phương khác trong cả nước đều nhận ra là không thể bình thường mới theo quan điểm "Zero Covid-19" mà phải sống chung với dịch bệnh.

 di-lam-tro-lai-nguoi-lao-dong-tai-tphcm-ung-pho-nhu-the-nao-voi-4-xanh

Doanh nghiệp và người lao động tại TPHCM sẽ gặp nhiều khó khăn phía trước (Ảnh: Đ.V).

Nếu TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì sẽ gây thiệt hại đến sinh kế của hơn 300.000 người lao động tại các KCN nói riêng và hàng triệu lao động nói chung.

"Việc áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng cho người lao động là tạo cơ hội làm việc trở lại cho họ. Tuy nhiên, một số quy định trong phương án "4 xanh" hiện nay đang khiến người lao động có thể gặp khó khăn khi quay lại" - giáo sư Hoài nói.

Theo giáo sư Hoài, khó khăn thứ nhất chính là quy định về "nơi ở xanh" của người lao động có thẻ xanh.

Giáo sư phân tích, hơn 50% người lao động tại các KCN đến từ nhiều địa phương khác nhau, đa phần họ đã về quê tránh dịch. Khi người lao động quay lại làm việc nhưng nhà trọ hoặc địa phương chưa phải là vùng xanh thì sẽ gặp trở ngại khi bắt đầu công việc.

Khó khăn thứ hai chính là "nhân lực xanh". Các KCN tại thành phố khó có thể đạt được số lao động được cấp thẻ xanh như kỳ vọng ít nhất là trong 2 tháng tới. Do chỉ có hơn 40% người lao động tại các KCN tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Nếu tuyển thêm lao động mới cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, những người chưa có thẻ xanh phải chờ việc làm và sinh kế của họ sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Cũng theo giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, việc phân biệt người lao động có thẻ xanh, thẻ vàng cũng như các quy định về "3 tại chỗ", xét nghiệm định kỳ sẽ làm khó các doanh nghiệp do chi phí sản xuất tăng cao.

Cần làm gì để gỡ khó?

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài kiến nghị, để người lao động trở lại làm việc an toàn và đảm bảo sinh kế trong điều kiện mới thì TPHCM cần phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho khoảng 60% người lao động trong các KCN. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất, đảm bảo quy định về thẻ xanh.

Theo ông, thời gian tới, thẻ xanh sẽ là yếu tố chủ đạo, do đó cần giảm tải bớt các quy định như "3 tại chỗ" trong giai đoạn mở cửa, bởi quy định này làm cho người lao động cách ly với người thân dẫn đến không thể yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, phương án "3 tại chỗ" cũng khiến doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều chi phí, trong khi đó hơn 80% doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn.

Giáo sư Hoài cho rằng, không nên quá cứng nhắc trong việc áp dụng "4 xanh" cho người lao động và các KCN. Khi sống chung với Covid-19 thì cần chú trọng đến việc giảm số ca trở nặng và tử vong thay vì việc tập trung quá nhiều vào số ca F0.

Các KCN cũng cần có trạm y tế lưu động giám sát an toàn sức khỏe cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với rủi ro khi điểm sản xuất phát hiện F0. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp, người lao động yên tâm hơn.

Giáo sư Hoài nhận thấy, nên giao việc quản trị an toàn người lao động cho doanh nghiệp theo quy định chung, tránh những quy định quá cụ thể, quá cứng nhắc khiến doanh nghiệp khó thực hiện.

Theo giáo sư, trong tương lai, các KCN cần quy hoạch, bố trí các khu lưu trú an toàn dành cho người lao động bên trong hoặc ngoài KCN. Người lao động cần được tiếp cận các dịch vụ y tế tối thiểu gần khu vực lưu trú và làm việc của mình; hạn chế việc tập trung đông đúc tại các khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo an toàn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã gửi văn bản lên UBND TPHCM đề xuất đưa người lao động từ các tỉnh, thành quay lại thành phố bằng đường bộ từ ngày 1/10.

Người lao động cần có kế hoạch làm việc và được các doanh nghiệp, hợp tác xã xác nhận bằng văn bản hoặc gửi thông báo. Người có nhu cầu quay lại thành phố cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, đã qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng hoặc có xác nhận đã khỏi Covid-19.

Người dân trở lại thành phố cũng cần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực và được UBND tỉnh, thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển.

Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, KCN và khu công nghệ cao và phối hợp với đơn vị vận chuyển lên kế hoạch.

Chi phí vận chuyển đối với phương thức này sẽ do đơn vị sử dụng lao động chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Theo Dân Trí