Doanh nghiệp bị tố lạm thu phí lao động đi Nhật Bản

Báo GĐ&XH nhận được phản ánh của người lao động về việc Chi nhánh Công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại Thái Bình (số 20, ngõ 640 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) thu phí quá cao đối với những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Giấc mơ thoát nghèo của hàng trăm lao động nghèo ngày càng khó khăn hơn khi phải vay mượn số tiền lớn nộp cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bị tố lạm thu phí lao động đi Nhật Bản
Hàng chục học viên đang học tập tại Chi nhánh Công ty TNHH Hợp tác lao động và thương mại Thái Bình. Ảnh: Đ.L

Quảng cáo hấp dẫn

Phản ánh qua Đường dây nóng của Báo GĐ&XH, nhiều lao động hiện đang tham gia lớp đào tạo ngoại ngữ của chi nhánh Công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại Thái Bình (sau đây gọi là Công ty Thái Bình Thabilabco) cho biết, họ đã phải đóng hàng chục triệu đồng phí XKLĐ đi Nhật Bản.

Từ những thông tin người lao động cung cấp, chúng tôi truy cập vào trang web của Công ty Thái Bình Thabilabco. Tại đây, một loạt các đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản được quảng cáo một cách rầm rộ. Người lao động truy cập vào website này không khỏi choáng ngợp trước khối lượng lớn các đơn hàng lương cao hấp dẫn như lao động làm việc sẽ được hưởng lương cơ bản khoảng 26 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm...

Website này còn giải đáp các thắc mắc của người lao động liên quan đến các hoạt động, thủ tục xuất cảnh, khi công khai tư vấn chi phí xuất cảnh các đơn hàng. Cụ thể, doanh nghiệp này công khai thông báo mức phí xuất cảnh sang Nhật mà lao động phải đóng từ 3.500 – 6.500 USD, tùy từng đơn hàng trên website.

Trong vai người lao động cần đi Nhật Bản làm việc, PV liên hệ theo số điện thoại bàn 02438711xxx trên website. Chúng tôi được nối máy cho bà Nguyễn Thị Tám - cán bộ của Công ty. Bà Tám đưa ra một loạt các đơn hàng xây dựng như buộc thép, lát gạch… đến các đơn hàng thực phẩm như nuôi gà, chế biến thịt gà, nuôi lươn, nông nghiệp…

Theo bà Tám, các đơn hàng này lương cao, phí rẻ. “Em phải đóng 22 triệu đồng, trong đó gồm 16 triệu đồng tiền học phí, 1 triệu đồng tiền đặt cọc tài sản (mượn đồ dùng chăn màn của Công ty), còn lại là tiền ăn, ở.

Tùy từng đơn hàng mà lao động phải đóng khoản phí giao động từ 6.500 - 6.700 USD là sẽ được Công ty bố trí đưa sang Nhật Bản. Sau khoảng thời gian 3 năm làm việc, trừ chi phí đã đóng cho Công ty khoảng 160 triệu đồng thì lao động cũng sẽ thu được khoản tiền lớn khoảng 400 - 500 triệu đồng…”, bà Tám nói.

Bà Tám cho biết thêm, mỗi tháng, Công ty tuyển hàng trăm lao động, trong đó có ít nhất 70 lao động thi trúng tuyển đơn hàng. Do đó, số lượng lao động từ công ty bay sang Nhật Bản mỗi năm phải xấp xỉ 1.000 người.

Thu vượt so với quy định

Để được nhập học, người lao động được Công ty hướng dẫn đi khám sức khỏe và sau đó phải đóng 10 triệu đồng tiền phí đặt cọc thi đơn hàng. Sau khi thi đỗ đơn hàng, lao động sẽ được bố trí ăn học ở Trung tâm đào tạo của Công ty và phải đóng 3.500 USD tiền đặt cọc sau trúng tuyển.

Tiếp xúc với hàng chục lao động tại Trung tâm đào tạo của công ty này, chúng tôi được biết số tiền mà cán bộ Công ty phổ biến thu của lao động lên đến 6.500 USD/người. Điều đáng nói, những lao động chi số tiền này đều không hề hay biết rằng họ đang bị Công ty thu quá quy định.

Khi được hỏi chi phí cho đơn hàng mình đang học chờ ngày bay sang Nhật là bao nhiêu, anh H (lao động ở Hà Nội đi đơn hàng “buộc thép”) cho biết, Công ty yêu cầu phải nộp 6.500 USD, hiện anh đã nộp 3.500 USD cho đơn hàng sau trúng tuyển. Để được sang Nhật Bản, anh H phải đóng tiếp cho Công ty số tiền là 3.000 USD. Anh H cho biết: “Ngoài chi phí tiền ăn học, sinh hoạt là 22 triệu đồng thì đối với đơn hàng “buộc thép” của tôi, Công ty yêu cầu phải đóng 6.500 USD. Để có số tiền này, nhà tôi phải đi vay ngân hàng”.

Anh C (người đang học ở Trung tâm đào tạo ngoại ngữ của Công ty) cho biết, anh đi Nhật theo đơn hàng “hoàn thiện nội thất”, được Công ty yêu cầu đóng 6.700 USD.

Anh đã đóng 22 triệu đồng tiền học tập, sinh hoạt (trong đó gồm 16 triệu đồng tiền học phí, còn lại là tiền ăn uống sinh hoạt) và 3.500 USD cho Công ty. Hiện số tiền còn lại là 3.200 USD, anh C đang hoàn thiện hồ sơ vay ngân hàng để đóng cho Công ty. Anh C cho biết, lớp học của anh gồm 20 lao động và họ đều phải đóng từ 6.500 USD trở lên.

Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản chỉ được thu không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Tại Công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 6/4/2016 về việc thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, các công ty XKLĐ được phép thu phí đào tạo tiếng Nhật nhưng không quá 5.900.000 đồng/khóa 520 tiết.

Liên quan đến vấn đề lạm thu tiền phí XKLĐ sang Nhật, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, nếu phát hiện các trường hợp công ty vi phạm, không thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, kể cả việc thu phí quá quy định, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xử lý nghiêm căn cứ theo quy định tại Nghị Định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo những lao động bị công ty thu phí trái quy định làm đơn khiếu nại gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước kèm theo những bằng chứng về việc bị thu phí quá quy định để Cục có căn cứ xử lý theo luật định.

Đỗ Lực

Theo GiaDinh