Dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán 2017: Kiểm soát chặt tình trạng khan hàng, đẩy giá

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, TP Hà Nội và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối đã lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt tiêu dùng cao điểm này.

Đồng thời, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá, hàng giả, hàng nhái, mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trên 23.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa

Trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, dự báo nhu cầu mua sắm của nhân dân Hà Nội tăng mạnh, nhất là các nhóm hàng thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát…, nhiều khả năng gây biến động giá trên thị trường.

Tuy nhiên, đối với các DN, đây cũng là thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ngay từ tháng 11, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Ông Lê Hồng Thăng, GĐ Sở Công Thương cho hay, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, TP sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với năm 2016.

Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Dự kiến, cuối tháng này, TP sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong cả nước để giúp DN tìm kiếm, khai thác hàng hóa từ các vùng về phục vụ thị trường Hà Nội.

Dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán 2017: Kiểm soát chặt tình trạng khan hàng, đẩy giá
Đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán 2017

Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với UBND TP Hà Nội và các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm 2016 và Tết Đinh Dậu, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các DN tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất và 22 phiên chợ Việt cùng 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn.

Năm nay, TP Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. Cty Vinmart dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỉ đồng, với trên 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 TTTM và siêu thị; phối hợp chặt chẽ với DN sản xuất hàng Việt đầu tư trên 100 tỉ đồng hỗ trợ các DN này bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Tiếp tục tham gia vào kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa Tết Đinh Dậu năm 2017, TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá 1.200 tỉ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của hệ thống Hapro.

Không để “đứt hàng”, “khan hàng”, đẩy giá…

Theo chỉ đạo của TP Hà Nội các DN và siêu thị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhập, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào các điểm bán hàng bình ổn giá. TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lọt vào các điểm bán hàng bình ổn.

Đại diện Sở Công Thương cho biết: “Sở sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để trong vòng 3 tiếng chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Các DN gặp vấn đề vướng mắc, chỉ cần gọi điện, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử cho chúng tôi, hoặc gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Sở”.

Tại cuộc họp vừa qua với Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng Tết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Doãn Toản khẳng định, TP sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay phục vụ công tác bình ổn.

Các DN tham gia chương trình bình ổn chủ động khai thác nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, thành phố để đa dạng mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết; không để “đứt hàng”, “khan hàng”, đẩy giá…

Dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán 2017: Kiểm soát chặt tình trạng khan hàng, đẩy giá
Do nhầu cầu mua hàng dịp cuối năm được dự báo tăng cao, nên việc kiểm soát chặt tình trạng khan hàng, đẩy giá là điều hết sức cần thiết

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Doãn Toản cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành triển khai các trung tâm bán hàng Việt tại các huyện, khu công nghiệp; đề xuất các điểm chợ hoa xuân, chợ nông sản, thực phẩm phục vụ Tết.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với CA TP kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, các thủ đoạn đầu cơ, găm hàng…

Thị trường nông thôn tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng vì chiếm tới hơn 65% dân số, sức mua lớn. Thực tế cho thấy một số phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ghi nhận sức mua tốt và bán được hàng vì điều tra đúng nhu cầu tiêu dùng và bán sản phẩm với giá cả hợp lý. Các DN phân phối cần có sự phân công phối hợp, bày bán các mặt hàng thế mạnh khác nhau thay vì một mặt hàng mà tất cả các đơn vị đều cung cấp.

Đánh giá cao sự chủ động của TP Hà Nội trong việc chuẩn bị công tác bình ổn, hàng hóa tết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị UBND TP Hà Nội thông tin rộng rãi đến người dân biết về các DN phân phối mở cửa phục vụ nhân dân trong dịp Tết; đẩy mạnh tuyên truyền về các điểm bán hàng tốt, DN tốt để người tiêu dùng biết và khuyến khích DN nâng cao chất lượng, cam kết đáp ứng đủ hàng hóa và phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho người dân sử dụng.

Theo GĐ Sở Công thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng, TP sẽ cố gắng bình ổn giá các mặt hàng, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Liên ngành công thương, tài chính, y tế, NN&PTNT, CA TP... sẽ tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để người tiêu dùng Thủ đô yên tâm mua sắm Tết.

Theo Nguyễn Khuê/phununews