Đừng vội tẩy chay cá hồi nuôi vì "độc hại nhất thế giới", các mẹ nên biết sự thật này

Thông tin "tố cáo" cá hồi nuôi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người không phải không có cơ sở. Nhưng liệu loại hải sản này có phải là thực phẩm độc hại nhất thế giới?

Đừng vội tẩy chay cá hồi nuôi vì

Người dân hoang mang thông tin cá hồi nuôi là thực phẩm độc hại nhất thế giới

Ngày hôm qua, cộng đồng mạng, đặc biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ rất hoang mang trước thông tin cá hồi nuôi là thực phẩm độc hại nhất thế giới do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đưa ra.

Theo đó, một bài báo đã viết rằng: Cá hồi thường được ăn viên phân gà, bột bắp, đậu nành, dầu hạt cải biến đổi gene và các loại cá nhỏ khác có chứa độc tố; cá hồi nuôi chứa hàm lượng PCB, một chất gây ung thư; hàm lượng Omega-3 trong cá hồi nuôi rất thấp....

Rất nhiều người đã chia sẻ bài báo này trên trang facebook cá nhân và nhiều bà mẹ đã vào bình luận với tâm lý khá sợ hãi, quyết định "tẩy chay". Thậm chí, có người còn nghĩ đến chuyện vứt miếng cá hồi vừa mua ở siêu thị.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy bài báo này "tố cáo" cá hồi nuôi không phải là không có cơ sở.

Quay trở lại năm 2014, một báo cáo tại Pháp chỉ ra rằng, cá hồi được nuôi tại Na Uy chứa nhiều hóa chất gây ung thư.

Theo Marine Harvest, công ty sản xuất cá hồi lớn nhất Na Uy với 114 trại nuôi cá, việc nuôi nhiều cá trong một diện tích hẹp khiến xảy ra nhiều dịch bệnh và ký sinh trùng. Do đó, công ty phải sử dụng hóa chất để phòng ngừa và điều trị.

Loại thức ăn viên dành cho cá hồi được cho là bị nhiễm hóa chất công nghiệp có độc tính rất cao PCB và chất ethoxyquin để bảo quản cho bột cá không bị mùi hôi dầu.

Bà Patricia Chairopoulos thuộc Tạp chí 60 triệu người tiêu dùng của Pháp cho biết ethoxyquin đã bị liệt vào danh sách nguy hiểm cho người với một liều lượng nhất định, bởi loại hóa chất này từng được sử dụng làm thuốc trừ sâu.

Còn mới đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện cá hồi được đánh bắt ở Seattle bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước chứa 81 loại thuốc, trong đó có cocaine, thuốc kháng sinh, chất nicotine và thuốc chống trầm cảm.

Cá hồi nuôi rất độc và gây ung thư?

Mối liên quan giữa chất PCB và căn bệnh ung thư vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phân loại chất PCB vào danh sách chất có thể gây ung thư ở người. Nhưng một vài nghiên cứu về mối liên hệ giữa PCB và ung thư vẫn chưa tìm thấy điều này.

Các nhà khoa học chỉ khẳng định khi vào cơ thể, hợp chất PCB có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe con người như tác động đến hệ thần kinh (làm tê liệt, đau đầu, run rẩy chân tay), hệ sinh sản, phát sinh các khối u...

Tuy nhiên, lượng chất hóa học này trong cá hồi vẫn thấp hơn 60 lần so với mức an toàn cho phép cơ thể hấp thu. Thông tin này đã được chính Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận.

"Với nồng độ của những chất độc hại như PCB, dioxin và thủy ngân có trong cá béo như hiện nay không hề cao và không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng", ông Janneche Utne Skaare, Ủy ban Khoa học về An toàn Thực phẩm Na Uy (VKM) cho biết.

Còn Jim Meador, nhà nghiên cứu chất độc môi trường của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết các loại thuốc được phát hiện trong cá hồi ở Seattle không gây ra mối đe doạ trực tiếp đến sức khỏe con người bởi nồng độ thấp.

Vậy có nên ăn cá hồi nuôi không?

Tác dụng của cá hồi thì được chứng minh rõ ràng: Giàu acid béo omega-3, các chất béo không bão hòa đa và là nguồn protein lành mạnh cho cơ thể, giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh tim....

Thậm chí, cá hồi Đại Tây Dương còn có nhiều DHA, EPA và acid béo omega-3 hơn lượng cá hồi hoang dã, tôm, thịt gà hoặc thịt bò.

Vì những lợi ích sức khỏe này, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mỗi người nên ăn cá khoảng 2 lần/tuần, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi.

Khi trả lời trên CNN, Eric Rimm - giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y khoa Harvard cho rằng những lợi ích của việc ăn cá hồi vẫn lớn hơn những rủi ro. Cá hồi cũng là một trong những nguồn rất giàu omega-3 tốt cho tim.

Song, bà khuyến cáo nên cắt phần da và mỡ của cá hồi và nên chế biến bằng cách nướng để giảm bớt chất béo, vì đây chính là những phần có chứa nhiều chất độc hại nhất.

Tháng 3 vừa qua, khi trả lời với báo chí về vấn đề cá hồi Châu Âu có khả năng gây ung thư, TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) cho biết, ông đã rất sốc khi nghe thông tin như vậy.

Đừng vội tẩy chay cá hồi nuôi vì

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu.

Ông Lựu cho biết ông đã đi tất cả các nước có ngành công nghiệp nuôi cá hồi hàng đầu thế giới. Quy trình nuôi ở đó rất sạch, sạch từ khâu giống tới quy trình nuôi, khai thác, chế biến, bảo quản.

Cơ quan kiểm định chất lượng của các quốc gia này cũng làm việc rất chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Và TS Lựu khẳng định không thể có chuyện ăn cá hồi Châu Âu gây ung thư được. Đó hoàn toàn là thông tin vịt. Ông Lựu cũng khuyên người dân cứ yên tâm mua ăn bình thường.

"Cá hồi nuôi đã bị mang tiếng xấu. Nhưng tôi nghĩ rằng, thật không công bằng khi việc chăn nuôi cá hồi bị thổi phồng lên là gây nhiều nguy hại", Piers Hart, nhà nuôi trồng thủy sản thuộc Quỹ Quốc Tế Về Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) trả lời The Guardian vào tháng 9 năm ngoái.

Sau sự việc vào năm 2014, hiện tại, Na Uy đã áp dụng nhiều tiêu chuẩn trong việc nuôi cá hồi như cấm sử dụng kháng sinh dự phòng, giới hạn về số lượng cá mỗi chu kỳ sản xuất, mức tối đa của thức ăn cho cá và cấm sử dụng thức ăn có chứa nguyên liệu biến đổi gene.

Kết luận:

Hiện nay, câu trả lời cho câu hỏi cá hồi nuôi nguy hiểm như thế nào với sức khỏe người tiêu dùng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Và cá hồi nuôi có phải là thực phẩm độc hại nhất thế giới hay không vẫn chưa nhà khoa học nào đưa ra câu trả lời.

Chỉ biết rằng, do nhu cầu ngày càng tăng đối với cá và tiềm năng cá đại dương đang dần cạn kiệt, trong tương lai chúng ta sẽ phải ăn cá nuôi nhiều hơn.

Hiện nay, gần một nửa nguồn cung cấp cá cho thị trường là từ cá nuôi. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2030 gần 2/3 thủy sản sẽ được nuôi ở trang trại.

Theo PNN