EVN: Đưa hết lỗ tỷ giá vào, giá điện sẽ tăng rất cao

Lỗ do chênh lệch tỷ giá lên tới gần 10.000 tỷ đồng, nếu đưa hết số lỗ tỷ giá vào giá điện sẽ đẩy giá điện tăng rất cao, còn nếu không tăng giá điện thì EVN sẽ lỗ - ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN nói.

Ngày 20/1, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thực hiện Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN.

EVN: Đưa hết lỗ tỷ giá vào, giá điện sẽ tăng rất cao

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)

Tổ công tác gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính,  Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện.

Cục Điều tiết Điện lực cho biết sau quá trình kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 thì doanh thu bán điện EVN đạt 234.339 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.630,96 đồng một kWh. Năm 2015 EVN lãi gần 2.133 tỷ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định, các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như hồ bơi, biệt thự, sân tennis… phải sử dụng từ quỹ phúc lợi của Tập đoàn EVN, chứ không được lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Trong giá thành điện năm 2015 tuyệt đối không có chi phí này”, ông Tuấn khẳng định.

Theo kết quả kiểm tra, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh điện trong năm 2015 là 2.529 tỷ đồng gồm: Thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng khoảng 871 tỷ; thu nhập hoạt động tài chính của Công ty mẹ  khoảng 1.011 tỷ (từ lãi tiền gửi, cho vay lại); thu nhập từ hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hơn 118 tỷ đồng; Thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Điện lực: 194,33 tỷ đồng; Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN gần 61 tỷ đồng; Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của các Tổng công ty Điện lực hơn 272 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong năm 2015 có phát sinh chênh lệch tỷ giá nhưng chưa đưa vào giá điện, chi phí này khoảng 10.000 tỷ đồng. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này sẽ được xem xét hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2015 tỷ giá biến động nhiều nên khiến ngành điện phát sinh chênh lệch tỷ giá khoảng 9.800 tỷ đồng.

Trong năm EVN đã tự xử lý khoảng 3.500 tỷ đồng thông qua thực hiện tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Theo ông Tri, nếu đưa hết lỗ chênh lệch tỷ giá vào giá điện sẽ đẩy giá điện tăng rất cao, còn nếu không tăng giá điện thì EVN sẽ lỗ.

“Chính vì thế chúng tôi đã báo cáo Bộ Công Thương và được chấp thuận cho số chênh lệch tỷ giá chưa được xử lý sẽ phân bổ dần vào giá điện trong 5 năm. Khi có điều kiện thuận lợi sẽ đưa dần vào giá điện hoặc EVN giảm giá thành được sẽ hoạch toán lại”, ông Tri cho hay.

Về giá điện trong năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng giá điện cơ sở 2017. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quyết định điều chỉnh giá điện.

Theo Infonet