EVN lỗ gần nghìn tỷ, trả lãi 38 tỷ đồng mỗi ngày

Nửa đầu năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 716 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ gần 930 tỷ đồng, trả lãi 38 tỷ đồng/ngày.

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016 của EVN cho thấy lợi nhuận sau thuế của tập đoàn âm xấp xỉ 717 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ gần 930 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn lãi 888 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lãi 450 tỷ đồng. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới giá điện trong thời gian tới dù Thủ tướng đã yêu cầu không tăng giá điện trong những tháng cuối năm.

Dù báo lỗ, nhưng doanh thu của tập đoàn lại tăng đáng kể. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của đơn vị này đạt 130.686 tỷ đồng, tăng 19.230 tỷ đồng (17,25%) so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu tài chính tăng tới 126% lên 3.352 tỷ đồng.

Sở dĩ có nghịch lý trên, theo báo cáo của tập đoàn là do chi phí tài chính trong kỳ tăng quá mạnh, lên tới 15.460 tỷ đồng, tăng 7.779 tỷ đồng (101%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chi phí lãi vay là 6.896 tỷ đồng trong 6 tháng (44,6%). Như vậy, nửa đầu năm nay, mỗi ngày EVN phải trả 38,3 tỷ đồng tiền lãi vay, vượt cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (23 tỷ đồng/ngày).

EVN lỗ gần nghìn tỷ, trả lãi 38 tỷ đồng mỗi ngày
Nửa đầu năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 716 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ gần 930 tỷ đồng, trả lãi 38 tỷ đồng/ngày. Ảnh: Lê Hiếu. 

Nói về nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh trên, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng Giám đốc EVN cho rằng do chênh lệch tỷ giá lên đến 6.371 tỷ đồng.

“EVN nợ vay ngoại tệ lớn đặc biệt là vốn ODA bằng đồng Yên Nhật nên phải chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá”, vị này nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, lại cho rằng có thể họ bị lỗ do phải huy động quá lớn các nguồn phát điện có giá thành cao như phát điện chạy dầu trong những tháng mùa khô, đặc biệt giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 khiến chi phí tăng lên đáng kể.

Thanh tra Chính phủ từng kết luận tập đoàn này lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả, lỗ do “biếu không” đơn vị khác cả chục nghìn tỷ đồng, thậm chí giá thành bán điện còn bao gồm cả giá xây biệt thự, sân tennis…

Ngoài ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn rải tiền ở rất nhiều lĩnh vực khác như viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm...

Trước đó không lâu, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam cũng kêu lỗ nặng do giá dầu và giá than giảm. 

Theo Zing