FDA điểm mặt 'thần dược' quảng cáo lừa bịp chữa ung thư

FDA Hoa Kỳ đã cảnh báo 14 công ty ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm thảo dược và các phương pháp điều trị khác được tiếp thị là để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.

Nicole Kornspan, chuyên gia về an toàn của người tiêu dùng cho rằng, các công ty đang lợi dụng những bệnh nhân ung thư sợ hãi và những người thân của họ. Việc làm đó đã mang lại cho họ bộn tiền. Người Mỹ chi 30 tỷ đô la một năm cho các liệu pháp thay thế.

"Bất cứ ai bị ung thư, hoặc có người thân bị ung thư, đều hiểu nỗi sợ hãi và tuyệt vọng mà bệnh mang lại. "Người ta có thể tìm đến bất kỳ thứ gì có vẻ mang đến cơ hội chữa khỏi bệnh."

Họ đặc biệt lợi dụng xu hướng tin rằng, các cách điều trị "tự nhiên" là tốt hơn so với những sản phẩm của các công ty dược phẩm thương mại. Nhưng những sản phẩm đó không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn có thể chứa các thành phần có hại.

FDA điểm mặt 'thần dược' quảng cáo lừa bịp chữa ung thư

Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa ung thư. 

Ví dụ: "Everything Herbs" quảng cáo cho hạt mơ, có chứa chất độc cyanid chết người. Hạt mơ đã là nền tảng để phát triển laetrile, một liệu pháp ung thư "thay thế" chưa được chứng minh nhưng được bán trên mạng phổ biến ở các phòng khám ở nước ngoài từ những năm 1970, mặc dù có nhiều bằng chứng là nó vô giá trị.

Trang web "Everything Herbs" tuyên bố: "Nếu ăn 6-12 hạt mơ mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về bệnh ung thư. Chứa trong các hạt mơ này là một lượng nhỏ chất nitriloside amygdalin, nó trực tiếp đến tế bào ung thư, chích và tiêu diệt tế bào ung thư”.

Trang web này bị gỡ bỏ với lý do “sửa chữa” khi NBC News điều tra và cuộc gọi đến số điện thoại của công ty nhận được câu trả lời từ hộp thư thoại nói rằng toàn bộ công ty đang đi nghỉ.

Một trang khác, DoctorVicks.com, bán một loạt các loại thảo dược và thực phẩm chức năng, bao gồm Silymarin, còn được gọi là cây kế sữa.

"Silimarin, thành phần chính của cây kế sữa đã được thấy là hỗ trợ gan theo những cách kỳ diệu và có thể giúp sửa chữa tổn thương gan do rượu hoặc Tylenol, và bảo vệ gan khỏi những tổn thương trong tương lai", trang web tuyên bố.

Có một chất có thể giúp khác phục tổn thương do Tylenol gây ra - đó là N-acetylcysteine ​​(NAC) - nhưng thuốc phải được dùng ngay lập tức và theo chỉ định của thầy thuốc. Một số nghiên cứu cho thấy silymarin có thể hữu ích nhưng nó chưa phê chuẩn và liều lượng vẫn chưa được xác định.

Dr. Vicks đã không phản hồi đề nghị bình luận từ NBC News.

FDA điểm mặt 'thần dược' quảng cáo lừa bịp chữa ung thư

FDA đã cảnh báo 14 công ty quảng cáo sai về các sản phẩm “chữa” ung thư. 

Những tuyên bố trên đều không đúng, theo FDA cho biết. Cơ quan này đã cảnh báo 14 công ty ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm thảo dược và các phương pháp điều trị khác được tiếp thị để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.

Những sản phẩm này không có tác dụng như quảng cáo và một số có thể nguy hiểm.

"Các công ty này đã sử dụng những quảng cáo khôn khéo, video và các kỹ thuật tiếp thị tinh vi khác, bao gồm những bài đánh giá về các kết quả kỳ diệu", các chuyên gia của FDA viết.

"Thường thì một sản phẩm được quảng cáo như cách điều trị hoặc chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh ở người và động vật".

FDA đã liệt kê 14 công ty trên trang web của họ và mô tả chi tiết những quảng cáo sai lệch mà họ đưa ra về sản phẩm, bao gồm các loại thảo mộc, thuốc nước, thực phẩm chức năng, trà và thuốc bôi. Những quảng cáo này đi từ chữa khỏi ung thư đến "giải độc" gan.

Việc đưa ra những tuyên bố như vậy mà không chứng minh được chúng là đúng và không thông qua quy trình xác minh của FDA là vi phạm pháp luật. Việc đặt một hàng chữ nhỏ ở dưới cùng của một quảng cáo nói rằng FDA chưa xác nhận tuyên bố này không làm giảm sự vi phạm.

Để lách luật, một số công ty đã đưa ra những quảng cáo sai và ghi một dòng chữ nhỏ rằng sản phẩm không nhằm để chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nào.

"Đưa ra những lời lẽ rõ ràng và sau đó nói rằng chúng không phải như vậy có thể là khôn khéo, nhưng việc làm này không tuân thủ các luật liên bang nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng".

FDA điểm mặt 'thần dược' quảng cáo lừa bịp chữa ung thư

Danh sách 14 công ty và thực phẩm FDA cảnh báo.

FDA đã cho các công ty 15 ngày để đưa ra kế hoạch thực hiện yêu cầu của mình. Cơ quan này có thể truy tố và phạt tiền các công ty và thậm chí là phạt tù.

"Thông điệp cho người tiêu dùng là: Các sản phẩm này chưa được kiểm nghiệm, một số chứa các thành phần có thể gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khoẻ của người dùng.

Các thành phần này có thể tương tác nguy hiểm với các phương pháp điều trị chính thống. Chúng không thay thế cho các phương pháp điều trị thích hợp.

Việc sử dụng các sản phẩm này có thể lãng phí tiền bạc, và quan trọng hơn là gây nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn”, tuyên bố của FDA nêu rõ.

Theo Dantri