Giá ôtô giảm 'sốc' 400 triệu đồng/chiếc: Vì sao thuế không giảm mà xe giảm mạnh?

Vì sao thuế phí không giảm mà rất nhiều mẫu ô tô có giá giảm ‘sốc” liên tiếp trong thời gian gần đây, có mẫu giảm lên tới gần 400 triệu đồng?

Cuộc chiến giảm giá trên thị trường ô tô vẫn đang nóng lên từng ngày, khi liên tục trong nhiều tháng, nhiều mẫu xe trên thị trường giảm “sốc” 200 triệu đồng/chiếc, cao nhất có Honda CR-V giảm gần 400 triệu đồng/chiếc.

Ngay mới đây, bắt đầu từ ngày 1/9, thị trường tiếp tục “bấn loạn” khi chiếc xe Honda CRV được rao bán giá chỉ 778 triệu đồng đến 788 triệu đồng/chiếc. Đây là mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay của chiếc xe này. 

Đáng chú ý, đây là việc giảm giá bán lẻ công bố nên khách hàng khi mua xe còn được lợi từ việc mức lệ phí trước bạ cũng được giảm theo giá bán lẻ (giảm thêm được khoảng 20 triệu đồng). Ngoài ra, giá bán ngoài thị trường còn dao động rẻ hơn so với mức giá niêm yết từ 10 đến 15 triệu đồng/chiếc, ở mức 768 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng loạt mẫu xe khác cũng có mức giảm giá mạnh như Mazda CX-5 về dưới 800 triệu đồng, Toyota Fortuner, Chevrolet Colorado, Nissan X-Trail….

Câu hỏi đặt ra là thị trường vẫn đang “đổ lỗi” cho chính sách thuế phí, mà tại sao trong khi thuế/phí không giảm, giá xe lại giảm “ác liệt” như vậy?

Giá ôtô giảm 'sốc' 400 triệu đồng/chiếc: Vì sao thuế không giảm mà xe giảm mạnh?

 Hai mẫu xe được điều chỉnh giảm giá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Zing

Chia sẻ với PV, anh Trần Phương (Nhân viên tín dụng – Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: “Mọi người vẫn đổ lỗi giá xe tại Việt Nam cao là do thuế phí, nhưng vì sao hiện nay chính sách thuế không có gì thay đổi, mà các hãng xe lại giảm giá sốc?”.

“Hôm tôi đi mua xe một chiếc xe (xin được giấu tên) thì nhận được hồ sơ gốc trong đó thể hiện giá xe chưa VAT là 330 triệu hãng bán cho đại lý. Cộng 40 % thuế tiêu thụ đặc biệt và 10 % VAT thì giá xe chỉ còn 508 triệu đồng thôi. Dù cho đại lý lấy lời 10% thì giá xe cũng chỉ rơi vào khoảng 560 triệu đồng, nhưng hiện tại đang được đẩy lên tới 650 triệu.

Như vậy là các đại lý và hãng xe đang lời rất lớn. Và đến khi người tiêu dùng không mua nữa chờ đợi chính sách thì lúc này họ phải cắt lãi để đẩy được hàng tồn ra. Thực tế có giảm nữa thì hãng xe và đại lý cũng chưa lỗ. Chúng ta đang bị xỏ mũi bao lâu nay”, anh Trần Phương phân tích.

Anh Trần Phương cũng phân tích thêm, thuế nhập khẩu linh kiện về Việt Nam chỉ từ 10 đến 30 %, trong khi đó chi phí nhân công lắp ráp của Việt Nam lại thấp hơn và các linh kiện tự sản xuất trong nước rẻ hơn các nước khác rất nhiều nên sẽ bù lại được phần chênh lệch ấy.

Chính vì vậy chất lượng xe lắp ráp tại Việt Nam không cao nên nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đi thì giá một chiếc xe ở nước ta sẽ không thể có giá cao hơn một chiếc xe ở nước ngoài được.

Thuế VAT thì các nước đều như nhau, từ 10%-15 %. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt là 40 %, vậy giá xe ở Việt Nam cao nhất cũng chỉ cao hơn 40 % so với các nước khác. Vậy nên việc hãng xe đẩy giá lên cao gấp 2,5 lần các nước khác rồi đổ lỗi cho thuế phí quá cao là vô cùng oan ức cho Nhà nước.

Về vấn đề này, trả lời giới truyền thông, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dường như đồng quan điểm khi cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đang chịu mức giá cao đến phi lý và ngay cả khi đã giảm giá mạnh, các hãng xe vẫn có lợi nhuận. Lợi nhuận của các hãng chỉ ít đi chứ không thua lỗ.

Còn chuyên gia Ngô Trí Long nhận định việc giá xe giảm mạnh là chiêu trò điều chỉnh giá với mức cao khi sản phẩm vừa ra đang hút khách, rồi hạ dần để giữ chân khách và cộng trung bình lại thì đều có lãi.

Do vậy, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen nhìn nhận xe hơi là tài sản hạng sang, mà chỉ nên coi đó đơn giản là phương tiện đi lại. Lối tiêu dùng thông minh và thay đổi định kiến sẽ khiến giá sẽ bớt có giá “trên trời”.

Theo vietq