GS hô hấp từ Ba Lan: Người Việt ăn một mẩu xúc xích hay miếng thịt cũng là ăn kháng sinh

Nếu chúng ta không biết sử dụng kháng sinh hiệu quả thì đến năm 2050, các kháng sinh sẽ không diệt được vi khuẩn, khi đó người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.

Người Việt ăn kháng sinh hàng ngày

Tại Hội thảo "Những tiến bộ mới trong phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em", do Bệnh viện Nhi trung ương và Ever Pharma tổ chức ngày 8/10. PGS TS Đào Minh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, nhiễm trùng hô hấp ở trẻ nhỏ là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em.

PGS Tuấn cho biết thêm, nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em ngày càng trở thành vấn đề lớn, thách thức các bác sĩ nhi khoa. Căn nguyên chủ yếu của bệnh là do vi rút và nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng. Nhiễm trùng hô hấp tái nhiễm nhiều lần dẫn đến suy giảm đề kháng, song song với tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn đe doạ đến tính mạng trẻ em.

Tổ chức y tế thế giới WHO đã cảnh báo, việc lạm dụng kháng sinh gây ra nguy cơ vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Trong khi đó, tại Việt Nam tình trạng sử dụng kháng sinh vẫn rất bừa bãi.

GS hô hấp từ Ba Lan: Người Việt ăn một mẩu xúc xích hay miếng thịt cũng là ăn kháng sinh

Giáo sư Wojciech Feleszko đến từ Khoa hô hấp và dị ứng nhi, Bệnh viện và Đại học Y Warsaw, Ba Lan

Theo Giáo sư Wojciech Feleszko đến từ Khoa hô hấp và dị ứng nhi, Bệnh viện và Đại học Y Warsaw, Ba Lan, trẻ em vốn rất nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp như tiếp xúc với các tác nhân vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết… do hệ thống miễn dịch của các em còn non yếu.

Trẻ em khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái đi tái lại, dẫn đến phải sử dụng kháng sinh quá mức, điều này gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

GS Feleszko đặc biệt nhấn mạnh về tình trạng sử dụng kháng sinh như hiện nay. Nếu chúng ta không biết sử dụng kháng sinh hiệu quả thì đến năm 2050, các kháng sinh mà ngành y có trong tay sẽ không diệt được vi khuẩn, khi đó người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.

GS Feleszko cho rằng, thực trạng kháng kháng sinh không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Ngay cả ở Mỹ là nước phát triển nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh vẫn rất lớn.

Còn tại Việt Nam, kết quả từ công trình nghiên cứu về kháng kháng sinh của Việt Nam và Anh quốc từ 4 năm trước, người ta thấy số tiền chi cho kháng sinh rất lớn. Chỉ có 20% kháng sinh sử dụng trong bệnh viện còn lại 80% ngoại trú, trong đó 90% không kê đơn và kháng sinh trong nông nghiệp.

Theo GS Feleszko, mỗi ngày mọi người chỉ ăn mẩu một xúc xích và miếng thịt trong bữa sáng cũng là đang ăn lượng kháng sinh nào đó từ kháng sinh khi nuôi gia xúc sản xuất thịt. Chỉ một lượng kháng sinh nhỏ nhưng vi khuẩn sẽ thích nghi kháng lại kháng sinh đó.

Sai lầm trong chẩn đoán và trị bệnh khiến tình trạng kháng kháng sinh tăng lên

GS Feleszko cho biết, nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng hô hấp trong nhi khoa đa phần do vi rút và nhóm vi rút á cúm là chủ đạo, vi khuẩn chỉ 10-15 %. Nhưng có tới 70-80 % trường hợp nhiễm vi rút lại được sử dụng kháng sinh.

Quay trở về Việt Nam, qua kinh nghiệm của mình, GS Feleszko cho rằng đa phần thầy thuốc Việt Nam thích kê kháng sinh để bệnh nhân đi về cho nhanh vì số lượng bệnh nhân đến khám bệnh quá đông.

Do tình trạng bệnh nhân quá đông, thời gian khám chỉ vào phút không thể biết nhiễm vi rút hay vi khuẩn nên bác sĩ thường kê đại kháng sinh cho xong. Ngoài ra, thời gian khám bệnh gấp rút, công cụ chẩn đoán thiếu nên các bác sĩ cũng khó chẩn đoán được bệnh do vi khuẩn hay vi rút.

GS hô hấp từ Ba Lan: Người Việt ăn một mẩu xúc xích hay miếng thịt cũng là ăn kháng sinh

Trẻ bị viêm hô hấp chủ yếu do vi rút không nên dùng kháng sinh

Tâm lý của bác sĩ sợ bệnh nhân than chữa bệnh không khỏi, sợ bị bắt đền nên để an toàn, bác sĩ cứ kê kháng sinh cho chắc. Nhiều nơi bệnh nhân yêu cầu họ muốn khỏe ngay là bác sĩ kê kháng sinh, thực trạng này xảy ra ở Việt Nam hàng ngày.

Trong khi đó, GS Feleszko khuyến cáo, nếu kê kháng sinh không cần thiết ảnh hưởng 80% cháu đi khám các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Các kháng sinh được sử dụng với tùy từng bệnh khác nhau nhưng có 3 bệnh được dùng kháng sinh nhiều nhất là viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng.

Một trong những nguyên nhân và chứng bệnh mà các bác sĩ Việt hay bỏ qua được giáo sư Feleszko chỉ ra, đó là viêm nhiễm hô hấp tái diễn ở trẻ nhỏ do hút thuốc lá thụ động là rất lớn. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc lá sẽ thường xuyên mắc các bệnh viêm hô hấp cấp tính tái diễn.

Nhưng ở Việt Nam, dường như khi khám cho trẻ các bác sĩ đều bỏ qua "tiêu chí" này, không hỏi bố mẹ các cháu việc các cháu có bị hít phải khói thuốc lá hay không. Bởi đây cũng là nguyên nhân khiến việc điều trị không dứt điểm được, tình trạng bệnh của trẻ cứ tái diễn viêm khiến sức đề kháng của các bé suy giảm, tình trạng kháng kháng sinh lại bị nhân lên.

Theo Ttvn