Hà Nội: Mạnh tay truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán

Theo yêu cầu của BCĐ 389, các đơn vị liên quan sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo thông tin từ BCĐ 389 Hà Nội, giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, một số đối tượng đã lợi dụng mua lại một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xóa, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra thị trường tiêu thụ và ở các vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội. Một số đối tượng khác thường vận chuyển lén lút các mặt hàng ế thừa, cận hạn và hết hạn sử dụng có giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ như bánh kẹo, củ quả, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm...

Đáng chú ý là tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không đảm bảo; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Đặc biệt trong trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phát sinh việc tiêu thụ sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc gây hậu quả ngộ độc Methanol làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; tình hình dịch cúm gia cầm diễn ra phức tạp, dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên địa bàn Thành phố.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng quy định của pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Triển khai thực hiện các Kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về chất lượng, an toàn thực phẩm; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; kiểm tra hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại; hoạt động sản xuất, buôn bán vận chuyển, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn Thành phố;

Hà Nội: Mạnh tay truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: An ninh thủ đô 

Kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm diệt muỗi, chống muỗi; hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đồ chơi trẻ em; kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu thủ công lưu thông trên thị trường; hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm, hoạt động kinh doanh, buôn bán bóng cười, shisa...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô, cụ thể: sử dụng hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, hành vi sửa thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc đối với các loại thực phẩm động vật, sản phẩm động vật, thủy hải sản, hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi …

Sở Thông tin và Truyền thông  chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố, hệ thống phát thanh cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, sử dụng rượu, đồ uống có cồn nhằm nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm với người tiêu dùng, cộng đồng, cảnh báo cho người tiêu dùng nên sử dụng rượu, đồ uống có cồn có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng; các hoạt động của Ban chỉ đạo 389 các cấp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị Kinh doanh làm ăn chân chính. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

BCĐ 389 Hà Nội kiến nghị các lực lượng có liên quan như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế, Ban chỉ đạo 389 quốc gia... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tới mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội.

Trong đó, có phân định rõ trách nhiệm theo phạm vi từng khu vực và từng ngành; có quy định cụ thể để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng. Cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này giữa các đơn vị trong lực lượng Công an; giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành các cấp...

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Hiện tại, 28 bệnh nhân ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà. Đa số bệnh nhân uống rượu ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Thông tin từ Bộ Y tế  cũng cho biết, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Thế nhưng, lượng rượu được sản xuất và tiêu thụ trong nước hàng năm vẫn cao ngất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước sẽ đạt khoảng 440.000 lít với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu. Việc lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự.

Theo VietQ