'Hai Lúa' Long An đưa chuối nhà xuất ngoại

Vùng đất phèn, nhiễm mặn trở thành vương quốc chuối, và xuất khẩu đi cả chục quốc gia.

Để làm được điều đó, “Hai lúa” Long An, Võ Quốc Huy phải trải qua biết bao sóng gió, từ thất bại này tới thất bại khác. Để giờ đây khi nói tới “chuối xuất ngoại” thì người dân lại nghĩ ngay tới lão nông này.

Chuối đạt “chuẩn” phải có quy trình sạch

Nhớ lại những năm trước đây, khi nông dân “Hai lúa” Long An chật vật vì đất phèn, nhiễm mặn, trồng cây gì cho năng xuất cũng thấp. Trải qua, gần 20 năm thấm mặn chát từ đất, ông không từ bỏ con đường làm giàu từ đất mẹ. Thay vào đó, ông trăn trở làm thế nào vùng đất chết có thể mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mình, cải tạo đất chết thành đất sống. Với trăn trở đó, ông không ngừng học hỏikinh nghiệm, tìm tòi cải tạo mảnh đất thành vùng đất vàng.

'Hai lúa' Long An đưa chuối nhà xuất ngoại
Ông Huy đang chăm sóc chuối.

Ngày đầu mang chuối về trồng ở vùng Đức Huệ - Long An, chưa có ai huyện này trồng chuối để bán. Nếu có, dân trồng chủ yếu quanh bờ ao, kiểu trồng cho có, lấy trái cho gia đình ăn. Ông bắt đầu đào bờ, cải tạo vùng đất, với kinh nghiệm sẵn có và lấy niềm vui trồng trọt làm nghị lực sống. Hai lúa Long An đã thành công khi “biến” đất phèn cho ra trái ngọt và kết quả đã thành hiện thực. Với gần 100ha vườn chuối được áp dụng quy trình trồng chuối khép kín từ khi khâu giống, tưới nước, bón phân, thu hoạch và đóng gói. 

Ngay từ khi chuối lớn, từng buồng chuối được “mặc áo” để chống mọi loại sâu bệnh, côn trùng gây hại. Đến khi thu hoạch, nhân viên đóng gói bắt đầu quy trình “xử lý từng trái” - loại bỏ những trái xấu. Có khi, vì một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.

Bên cạnh đó, để đảm bảo trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển vào nhà đóng gói, ông Huy cho xây dựng hệ thống ròng rọc treo dài hàng trăm ki-lô-mét bao quanh trang trại. Các buồng chuối khoảng 40 – 60kg sẽ theo hệ thống treo tự động “chạy” về khu xử lý. Để tưới cho cây chuối, ông Huy cũng đầu tư hơn 50km đường ống được gắn xung quanh vườn. 

Vừa tham quan vườn chuối cùng phóng viên, ông Huy vừa trao đổi quá trình tạo ra một quả chuối chất lượng phải tuân thủ theo nhiều yếu tố. Để làm được điều này, người nông dân phải chăm sóc từng buồng, từng nải để quả chuối không quá to hay quá nhỏ. Ông chia sẻ kinh nghiệm, để có được những nải chuối đạt chuẩn thì điều cần thiết là không để chuối trổ hết nải, vì cây nuôi không đủ sức.

Do đó, bông chuối cứ trổ khoảng 9 - 10 nải là mình phải bẻ luôn bông, không cho ra trái nữa. Trong quá trình ra nải cần chăm sóc cẩn thận từng nải chuối để chuối cho ra những nải chuối đẹp.

Sau khi thu hoạch, chuối cũng được được khử sạch bụi, loại bỏ phần cuống thừa để cho đẹp mắt. Sau đó, chuối được thả vào bể nước để khử khuẩn khoảng 15 – 20 phút rồi vớt lên đưa vào túi nylon để hút chân không rồi chuyển vào kho lạnh. Sau đó, được đóng gói và “xuất ngoại”.

Đặc biệt, vườn chuối của ông Huy nghiêm cấm sử dụng các loại chất kích thích. Do vậy, sản phẩm chuối của ông đạt chất lượng khá cao và nhanh chóng chiếm được niềm tin của nhiều khách hàng khó tính trên thế giới.

'Hai lúa' Long An đưa chuối nhà xuất ngoại

Vườn chuối của gia đình ông Huy.

Chiếm lĩnh thị trường khó tính

Với thương hiệu Fohla đạt tiêu chuẩn VietGAP, chuối đang được ông Huy xuất khẩu sang các nước. Nhưng khi nói tới thương hiệu chuối của mình ông Huy lý giải cho cái tên FOHLA, ông hóm hỉnh: “Chuối đi Tây nên lấy cái tên giống Tây. Mà “Phô - la” thì tây hay ta cũng dễ nhớ dễ đọc. Ngoài viết tắt với ý nghĩa Fruit of Huy Long An (trái cây của Huy Long An), Fohla tiếng Bồ Đào Nha còn có nghĩa là chiếc lá. Mà logo của tôi đúng là có hai chiếc lá”.

Ông Huy ước mong một ngày nào đó thương hiệu chuối “Made in Viet Nam” sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Chính ước mơ đó đã tạo cơ hội cho ông cũng như nông dân quê ông có cơ hội cải thiện đời sống. Từ đó, thương hiệu chuối Fohla đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Dubai, Singapore, Hàn Quốc...

Ông Huy chia sẻ rằng, ông tìm hiểu và thấy ở nước ta, mặt hàng chuối chiếm vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ NNPTNT, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương cũng xem việc xuất khẩu chuối là một mặt hàng quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế, nên ông đã quyết định trồng cây chuối.

Vừa trồng thử nghiệm vừa đi các nước tìm hiểu thị trường, ông Huy biết Philippines là nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới. “Khí hậu, thổ nhưỡng của nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Họ có những chuyên gia chuối, cả cuộc đời gắn với cây chuối”, ông Huy đánh giá.

Do đó, ông đã mời chuyên gia Frederick I. Silvero - có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về Việt Nam. Những kiến thức về chuối của vị chuyên gia không chỉ làm trang trại chuối của ông phát triển tốt, mà còn đem lại kiến thức chuyên sâu về chuối cho những nông dân đang làm việc cho ông. “Với kiến thức họ được tiếp nhận, biết đâu trong hàng chục nhân công này, sẽ có nhiều người trở thành những ông chủ trại chuối mới” - ông Huy nói.

 Trồng từ cuối năm 2014, đăng ký thương hiệu FOHLA từ giữa năm 2015, đến nay ông Huy đã xuất khẩu được 500 tấn và được đón nhận khá tốt. Ông đang thương lượng với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Malaysia để tăng lượng xuất khẩu. “Về chất lượng, tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” dán trên từng nải chuối vì sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh với chuối Philippines”, ông tự hào. “Tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đó”.

Theo Minh Quân (Tieudung24h)